Nan giải tín dụng cho dự án BOT

(BĐT) - Nút thắt có thể coi là lớn nhất đối với dự án BOT là tìm kiếm nguồn vốn, trong đó đa phần là vốn vay. Việc đáp ứng đủ vốn cho các dự án BOT thời gian tới đang được coi là một bài toán khó, thậm chí là nhiệm vụ bất khả thi, nếu không có những giải pháp khác với cơ chế hiện hành.
Để có thể huy động được nguồn vốn tín dụng nước ngoài, đối với các dự án quan trọng quốc gia, Bộ GTVT đã đề nghị Chính phủ chấp thuận bảo lãnh doanh thu tối thiểu. Ảnh: Lê Tiên
Để có thể huy động được nguồn vốn tín dụng nước ngoài, đối với các dự án quan trọng quốc gia, Bộ GTVT đã đề nghị Chính phủ chấp thuận bảo lãnh doanh thu tối thiểu. Ảnh: Lê Tiên

Trong, ngoài đều khó

Trong báo cáo gửi Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhận định, việc tiếp tục huy động nguồn vốn dài hạn từ thị trường trong nước là rất khó khả thi. Thực tế vừa qua một số dự án khả thi về tài chính nhưng các ngân hàng thương mại trước đây cam kết cung cấp tín dụng đã có văn bản từ chối.

Cơ sở cho nhận định này, theo Bộ GTVT là do, thị trường tín dụng dài hạn trong nước chưa phát triển, dư nợ nguồn vốn vay tín dụng dài hạn của các ngân hàng trong nước đang ở mức cao. Các ngân hàng trong nước chủ yếu huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn trong khi phần lớn các ngân hàng thương mại trong nước chưa đảm bảo tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 06/2016/TT-NHNN ngày 27/5/2016. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại còn bị khống chế mức tăng trưởng tín dụng, tổng mức dư nợ tín dụng đối với một khách hàng.

Ngoài ra, trong báo cáo của Chính phủ tại phiên họp của Đoàn giám sát của Quốc hội với một số bộ, ngành về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT vừa diễn ra, Chính phủ đã chỉ ra một số lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn đối với các tổ chức tín dụng cho vay dự án BOT.

Theo báo cáo của Chính phủ, một số ngân hàng, chi nhánh ngân hàng chưa phân tích, đánh giá đầy đủ về rủi ro trong quá trình thẩm định, ký hợp đồng tín dụng tài trợ vốn cho dự án; trong quá trình thực hiện dự án còn chưa quan tâm đúng mức đến việc kiểm soát cấp phát vốn, giải ngân, thanh toán và kiểm soát thu phí, quản lý doanh thu thu phí. Một số chi nhánh ngân hàng cung cấp cam kết tín dụng vượt thẩm quyền. Bên cạnh đó, việc thay đổi chính sách của Nhà nước như giảm phí, điều chỉnh lộ trình tăng phí giao thông đã, đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nợ của các tổ chức tín dụng có tài trợ vốn cho các dự án...

Trong khi tín dụng trong nước vừa bất khả thi, vừa tiềm ẩn nhiều rủi ro như vậy, thì đối với nguồn vốn nước ngoài, Bộ GTVT cho biết, Bộ đã tổ chức tham vấn các nhà đầu tư tiềm năng, các ngân hàng tiềm năng và các tổ chức tài chính quốc tế. Tất cả các ý kiến tham vấn đều nêu rõ quan ngại khi quy định pháp luật, chính sách của Việt Nam thay đổi nhiều; mức tín nhiệm quốc gia chưa cao; công tác giải phóng mặt bằng quá phức tạp, không kiểm soát được giá thành, tiến độ. Các nhà đầu tư nước ngoài đề nghị nhất thiết phải có bảo lãnh của Chính phủ hoặc bên thứ ba đối với các rủi ro về doanh thu, rủi ro về khả năng chuyển đổi ngoại tệ, rủi ro về thực hiện trách nhiệm của Chính phủ và rủi ro về tiến độ và chi phí giải phóng mặt bằng. 

Giải pháp nào cho bài toán vốn?

Để có thể huy động được nguồn vốn tín dụng nước ngoài, đối với các dự án quan trọng quốc gia, Bộ GTVT đã đề nghị Chính phủ chấp thuận bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ và bảo lãnh bên thứ 3 đối với trách nhiệm của Chính phủ. Trường hợp khó khăn, cho phép áp dụng đối với 1 dự án là Dự án Dầu Giây - Phan Thiết để thí điểm. Việc bảo lãnh sẽ có tác động đến nợ công trong giai đoạn trước mắt, nhưng nếu lựa chọn đúng dự án, khi dự án đi vào vận hành khai thác sẽ tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế và sẽ giảm tỷ lệ nợ công.

Trong trường hợp không chấp thuận được các bảo lãnh nói trên, đề nghị Chính phủ cho phép các tổ chức tín dụng khi cung cấp tín dụng cho các dự án quan trọng không tính trong tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay dài hạn, không tính trong tỷ lệ giới hạn tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng thương mại lớn được hình thành gói tín dụng riêng cho dự án để huy động được nguồn vốn trong nước. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế và ngắn hạn.

Tổng quát hơn, Bộ KH&ĐT đề xuất cần đa dạng các giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án BOT nói riêng, PPP nói chung. Đầu tiên, có thể tạo nguồn vốn đầu tư từ các nguồn lực công như quỹ đất công, nguồn tài sản công hoặc nguồn tiết kiệm được từ chi tiêu của các doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công; huy động vốn từ nguồn cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, nguồn dự phòng chưa phân bổ...

Còn theo một số chuyên gia, quan trọng nhất vẫn là tạo dựng được một thị trường BOT đúng nghĩa với các dự án có chất lượng, tính toán đầy đủ và phân bổ hợp lý rủi ro, đấu thầu cạnh tranh thực sự, cộng với khung pháp lý đầy đủ, nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng nước ngoài mới có thể yên tâm tham gia, rót lượng vốn lớn cho dự án BOT tại Việt Nam.

Chuyên đề