LNST Q1/2020 giảm mạnh ở hai ngân hàng quốc doanh lớn là VCB và BID. Ảnh: Internet |
Đó là nhận xét đáng chú ý về ngành ngân hàng tại Báo cáo Chiến lược đầu tư tháng 5/2020 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC).
Trong số 14 ngân hàng niêm yết được VDSC thống kê kết quả kinh doanh (KQKD) quý 1/2020 cho thấy, tăng trưởng cho vay khách hàng đạt 2,1% tính từ đầu năm tới nay, tương ứng mức tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ năm 2019, hoạt động cho vay chậm lại ở hầu hết các ngân hàng.
Mặc dù tổng thu nhập hoạt động đạt mức tăng trưởng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế (LNST) chỉ tăng trưởng hơn 3% so với cùng kỳ năm trước. LNST Q1/2020 giảm mạnh ở hai ngân hàng quy mô lớn là VCB và BID. Ngoài ra, CTG, MBB, STB và KLB ghi nhận tăng trưởng âm.
LNST đã giảm mạnh so với mức tăng trưởng chung gần 11% của Q1/2019 do thu nhập lãi và dịch vụ giảm tốc, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh ở hầu hết ngân hàng và chi phí hoạt động cũng tăng mạnh hơn so với tăng trưởng về thu nhập.
Các gói hỗ trợ của ngành ngân hàng đối với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID19 gồm: giảm lãi suất cho vay và giãn, gia hạn thời hạn trả nợ.
Nhiệm vụ giảm lãi suất cho vay có thể khiến khả năng mở rộng NIM (thu nhập lãi thuần/ tài sản sinh lãi) của các ngân hàng bị hạn chế so với giai đoạn trước khi diễn ra dịch bệnh. Bởi lẽ, mặc dù áp lực huy động giảm khi nhu cầu vay mượn thấp và động thái điều tiết của NHNN (giảm lãi suất điều hành, tác động thị trường OMO) sẽ giúp lãi suất huy động giảm theo sau mức lãi suất cho vay, song tốc độ sẽ chậm hơn và khả năng tăng tỷ trọng dư nợ của nhóm khách hàng có lãi suất cho vay cao bị hạn chế.
Ngoài ra, tăng trưởng thu nhập lãi và dịch vụ nhìn chung sẽ chậm lại so với các năm trước khi chính sách giãn, gia hạn thời hạn trả nợ có thể ảnh hưởng đến tiến độ ghi nhận thu nhập lãi của các ngân hàng và quy mô cho vay giảm khiến thu nhập lãi và thu nhập từ hoạt động dịch vụ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Ngoài ra, các ngân hàng theo đuổi mục tiêu quản lý tốt chất lượng tài sản có thể sẽ chứng kiến chi phí dự phòng tăng mạnh, ít nhất trong quý 2 và hai quý đầu năm 2020. Như vậy, sau năm 2017 – 2018 ghi nhận tăng trưởng cao, ngành ngân hàng dự kiến sẽ chứng kiến mức giảm tốc đáng kể về mức độ tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2020.