Năm 2020: Không dành cho những trái tim yếu đuối

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm nhiều biến động nhất mà bạn từng trải qua là năm nào? Liệu có nhiều biến động như năm 2020 vừa qua?

2020 quả thật là quãng thời gian không dành cho những trái tim yếu đuối, khi hàng loạt biến cố, sự kiện địa chính trị, kinh tế xảy ra, thay đổi hoàn toàn cuộc sống của cư dân trên toàn cầu theo nhiều cách khác nhau. Dưới đây là một số sự kiện lớn trong năm 2020, như một lát cắt gợi nhớ cuộc sống của chúng ta đã thay đổi tới mức nào.

Hoả hoạn tàn khốc tại Australia

Năm 2020 bắt đầu bằng những đám cháy lớn. Các vụ cháy rừng đã biến phần lớn bang New South Wales và Victoria của Australia trở thành vùng đất chết, sau đó nhanh chóng lan rộng ra phần lớn lãnh thổ nước này. Hàng nghìn người phải di tản. Nhiệt độ cao kỷ lục cùng với thời tiết khô hạn nghiêm trọng kéo dài do biến đổi khí hậu đã gây ra những biển lửa, khiến quang cảnh nhiều nơi ở Australia trông không khác gì “ngày tận thế”.

Theo Reuters, các đám cháy đã thiêu rụi 186.000 km2 tính tới tháng 3/2020, diện tích lớn hơn toàn bộ phần lãnh thổ trên đất liền của Cuba. Quãng thời gian cháy liên tục lên tới gần 80 ngày, khiến gần 3 tỷ động vật chết, tạo nên một thảm họa sinh vật học đối với quốc gia này, chưa kể các thiệt hại về tính mạng, tài sản vật chất và sức khoẻ của con người.

Corona virus lan rộng

Bạn còn nhớ tới bệnh nhân 31?

Thời điểm trước tháng 2/2020, các ca bệnh do virus chưa được gọi tên gây ra đã xuất hiện, nhưng chủ yếu tập trung tại Trung Quốc và ít gây sự chú ý. Dần dần, loại virus này đã vượt qua biên giới Trung Quốc và lan rộng ra toàn cầu.

Trường hợp gây sự chú ý đầu tiên chính là bệnh nhân số 31 tại Hàn Quốc. Đây là ca bệnh Covid-19 được xác định với khả năng lây nhiễm lên tới hơn 1.160 trường hợp khác tại quốc gia này, trở thành hồi chuông cảnh báo đầu tiên cho thế giới về khả năng, tốc độ lây nhiễm đáng sợ của Covid-19. Cho tới nay, đại dịch Covid-19 đã chứng tỏ sự nguy hại với quy mô rộng khắp, gây tổn thất không thể đo lường và vẫn chưa dừng lại.

Giãn cách xã hội khi số ca nhiễm Covid-19 gia tăng

Giãn cách xã hội khi số ca nhiễm Covid-19 gia tăng

Cuộc sống giãn cách bắt đầu

Kể từ tháng 3/2020, công dân toàn cầu lần đầu được trải nghiệm cuộc sống giãn cách/cách ly/bị phong tỏa trên quy mô lớn với thời gian kéo dài. Từ giấy vệ sinh cho tới thực phẩm, dòng người hoảng loạn đã tạo nên tình trạng khan hiếm cục bộ, tiếp theo đó là môi trường sống nhiều thay đổi.

Trạng thái bình thường mới, nơi các sự kiện đông người bị huỷ bỏ, người dân ở trong nhà, làm việc từ xa, sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng hoá/thực phẩm… trở thành thói quen kể từ tháng 3/2020 cho tới nay và được dự báo sẽ trở thành hiện thực cuộc sống trong quãng thời gian sắp tới.

Diễn biến nhóm cổ phiếu FAANGM và chỉ số S&P 500 trong 7 năm qua

Diễn biến nhóm cổ phiếu FAANGM và chỉ số S&P 500 trong 7 năm qua

Nhóm công nghệ thống trị

Đại dịch Covid-19 theo khía cạnh nào đó trở thành “người phán xử”: phân bổ lại thị phần, doanh thu, lợi nhuận của nhiều nhóm ngành trên bản đồ tài chính toàn cầu. Trong đó, đối tượng được ưu ái lớn nhất rõ ràng là các công ty công nghệ.

Giá trị thị trường của các công ty công nghệ lớn trong chỉ số S&P 500 leo dốc chóng mặt. Trong 7 năm tính từ tháng 7/2013 tới tháng 7/2020, quy mô của nhóm 6 cổ phiếu Facebook, Apple, Amazon, Netflix, Alphabet (công ty mẹ của Google) và Microsoft - hay còn gọi là nhóm FAANGM đã tăng hơn 500%. Cùng giai đoạn này, chỉ số S&P 500 tăng 110%.

Chi tiêu của 2 phe Dân chủ và Cộng hoà trong các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Chi tiêu của 2 phe Dân chủ và Cộng hoà trong các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Năm 2020, chi phí cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đạt hơn 13 tỷ USD, cao gấp đôi so với số tiền bỏ ra trong cuộc bầu cử gần nhất vào năm 2016.

Đây cũng là năm mà quá trình bỏ phiếu, kiểm phiếu, công bố kết quả bầu cử có nhiều xáo trộn trước ảnh hưởng của đại dịch.

Cuộc đua sản xuất vắc-xin

Trong những tuần gần đây, thông tin thu hút sự chú ý nhất là việc các sản phẩm vắc-xin được cấp phép khẩn cấp, đánh dấu quãng thời gian kỷ lục một loạt vắc-xin được nghiên cứu, sản xuất và cấp phép trên toàn cầu. Thông thường, quá trình này mất tới 11 năm.

Những tín hiệu tích cực ban đầu là việc Pfizer, nhà sản xuất vắc-xin Covid-19 công bố vắc-xin hiệu quả tới 95%. Tiếp theo đó, Moderna, một nhà sản xuất khác cho rằng sản phẩm của mình có hiệu quả tới 94,5%. Theo thống kê của Bloomberg, hiện có 9 loại vắc-xin với khoảng 80 nhà phân phối trên toàn cầu với khả năng cung cấp 7,95 tỷ liều vắc-xin.

Dù đã xuất hiện vắc xin, nhưng những thử thách vẫn hiện hữu. Chưa tính tới mức độ hiệu quả của sản phẩm, nhận thức của người dân về vắc-xin ngày càng giảm, khiến tỷ lệ người dân sẵn sàng sử dụng vắc-xin đi xuống.

Chuyên đề