Nhân viên kiểm tiền tại một chi nhánh của Bank of China. Ảnh:Reuters |
Hôm qua, lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ, giá nhân dân tệ (CNY) phá mốc 7 CNY đổi một USD, sau khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) hạ giá nội tệ xuống thấp nhất kể từ cuối năm ngoái. Hôm nay, cơ quan này tiếp tục điều chỉnh tỷ giá tham chiếu về 6,9683 CNY đổi một USD.
PBOC giải thích động thái này chủ yếu để phản ánh sự lo ngại của thị trường về "các biện pháp bảo hộ và thuế nhập khẩu mới nhằm vào Trung Quốc". Đây cũng không phải lần đầu tiên PBOC làm dấy lên mối lo chiến tranh tiền tệ, kể từ khi căng thẳng thương mại với Mỹ bùng phát cách đây hơn một năm. Tuy nhiên, với các diễn biến leo thang gần đây, và việc để nội tệ xuống thấp kỷ lục hôm qua, giới phân tích cho rằng Bắc Kinh đang gửi đi thông điệp: Họ sẵn sàng sử dụng tiền tệ làm vũ khí trong chiến tranh thương mại với Washington.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ khiến căng thẳng thương mại leo thang khi tuyên bố sẽ áp thuế 10% với khoảng 300 tỷ USD hàng nhập khẩu còn lại. Theo đó, từ tháng 9, tất cả hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ có thể đều bị áp thuế.
"Việc Trung Quốc ngừng duy trì mốc 7 CNY đổi một USD cho thấy họ gần như đã từ bỏ hy vọng đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ", Julian Evans-Pritchard – nhà kinh tế học cấp cao khu vực Trung Quốc tại Capital Economics nhận xét.
Mỹ đã nhanh chóng phản ứng với hành động của Trung Quốc. Tối qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên Twitter chỉ trích Trung Quốc là nước "thao túng tiền tệ" và gọi hành động hạ giá nội tệ là "một sự vi phạm nghiêm trọng". Vài năm gần đây, ông vẫn luôn phàn nàn việc nước này hạ giá nhân dân tệ để tăng lợi thế xuất khẩu.
Cùng ngày, Bộ Tài chính Mỹ đã chính thức gọi Trung Quốc là "quốc gia thao túng tiền tệ", lần đầu tiên kể từ năm 1994. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin còn cho biết sẽ cùng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của Bắc Kinh.
Giới phân tích hiện chờ đợi phản ứng tiếp theo của Mỹ. Họ lo ngại chiến tranh tiền tệ sẽ diễn ra, khi hai nước rơi vào vòng xoáy hạ giá. Việc này sẽ giáng đòn mạnh lên cả người tiêu dùng và doanh nghiệp, kéo lạm phát lên cao và khiến giá tài sản lao dốc. "Những tranh luận về việc Mỹ có can thiệp vào tiền tệ hay không đang nóng lên từng ngày", Kit Juckes – chiến lược gia tại Societe Generale cho biết.
Vài tuần gần đây, Trump đều khẳng định không loại trừ khả năng can thiệp vào thị trường tiền tệ. Hồi tháng 7, ông còn bác bỏ một tuyên bố của cố vấn cấp cao Larry Kudlow rằng Nhà Trắng "đã loại trừ" việc can thiệp trực tiếp để làm yếu đồng đôla. "Tôi không nói là tôi sẽ không làm gì đó", Trump cho biết trước báo giới.
Can thiệp hạ giá đồng đôla sẽ là bước ngoặt với chính sách điều hành gần đây của Mỹ và sẽ gây ra tác động lớn cả trong nước lẫn quốc tế. Nội tệ yếu đi có thể tăng xuất khẩu, nhưng cũng khiến hàng nhập khẩu đắt đỏ lên, từ đó đẩy cao lạm phát và ảnh hưởng đến tiêu dùng. Giá cả hàng hóa tăng có thể buộc ngân hàng trung ương nâng lãi suất, từ đó kéo tụt tăng trưởng kinh tế.
Các hậu quả này có thể lan ra toàn cầu nếu các quốc gia khác hành động tương tự. Hạ giá nội tệ cũng tạo ra bất ổn cho thị trường tài chính, do nó khiến giá tài sản từ địa ốc đến cổ phiếu đi xuống.
Nếu muốn hạ giá đồng đôla, chính quyền Trump có thể thông báo chấm dứt thực thi chính sách về đồng đôla được ban hành năm 1995 dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton. Trump cũng có thể chỉ đạo Bộ Tài chính Mỹ làm việc với Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại New York để bán đôla.
Miguel Chanco – nhà kinh tế học cấp cao tại Pantheon Macroeconomics cho rằng tình hình chưa đến mức này. Nhưng ông dự báo Nhà Trắng tiếp tục có các phát ngôn cứng rắn.
Không như các tiền tệ lớn khác, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc không được giao dịch tự do. Mỗi ngày, PBOC sẽ thiết lập tỷ giá tham chiếu cho nhân dân tệ, với biên độ dao động 2%. Lần cuối cùng họ để nội tệ vượt mốc 7 CNY đổi một USD là trong khủng hoảng tài chính 2008.
Hạ giá nhân dân tệ có thể giúp Trung Quốc giảm thiểu tác động từ thuế Mỹ, khi giúp hàng xuất khẩu rẻ hơn. Dù vậy, nó sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực trong nước. Nhân dân tệ mất giá sẽ châm ngòi cho làn sóng rút vốn ra khỏi Trung Quốc và gây bất ổn kinh tế.
Năm 2015, Trung Quốc gây sốc cho các thị trường toàn cầu khi bất ngờ hạ giá nhân dân tệ 2%. Việc này đã khiến dòng vốn 680 tỷ USD ồ ạt chảy khỏi đây, theo số liệu của Viện Tài chính Quốc tế.
"Trung Quốc có lẽ đã nhận ra việc đạt thỏa thuận với Mỹ là không thể", Jason Daw – Giám đốc chiến lược các thị trường mới nổi tại Societe Generale nhận định. Chính việc này đã thôi thúc Bắc Kinh "tiếp tục cuộc chiến dài hơi" với nền kinh tế lớn nhất thế giới.