Một phần tư dự án đầu tư ra nước ngoài thua lỗ

Các tập đoàn Nhà nước đem 7 tỷ USD đi đầu tư nước ngoài, nhưng hơn 25% dự án báo lỗ, gần 30% dự án phát sinh lỗ luỹ kế.
Hoạt động khai thác dầu của PVN.
Hoạt động khai thác dầu của PVN.

Con số này được nêu tại báo cáo giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016. Theo kế hoạch, Quốc hội sẽ dành trọn ngày mai (28/5) để thảo luận về báo cáo này.

Dữ liệu đáng chú ý trong báo cáo lần này là việc đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn, tổng công ty. "Việc đầu tư ra nước ngoài được triển khai khá tích cực", Đoàn giám sát Quốc hội nhận xét.

Cuối năm 2016 có 18 tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào 110 dự án ở nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 12,6 tỷ USD, giải ngân 7 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực viễn thông, thăm dò khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản, trồng cây cao su...

PVN là tập đoàn có số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài lớn nhất, gần 6,7 tỷ USD (chiếm 53%), kế đến là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) 2,12 tỷ USD và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam 1,41 tỷ USD.

Lượng vốn "đổ" vào các dự án đầu tư ở nước ngoài lớn, song lại dàn trải, hiệu quả chưa cao, theo đánh giá của báo cáo giám sát. Trong 7 tỷ USD các tập đoàn đã giải ngân thì 25,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ lũy kế. Lợi nhuận được chia cho Việt Nam năm 2016 là 145 triệu USD, bình quân 2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện.

Nhiều dự án đang tiềm ẩn rủi ro về pháp lý tại nước sở tại, như bị rút ngắn thời gian triển khai dự án, tranh chấp đất đai và rủi ro thị trường do giá đầu ra giảm mạnh… đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả dự án. Có dự án bị ngừng cấp bảo lãnh Chính phủ, buộc phải dừng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả đầu tư.

"Một số dự án đầu tư ra nước ngoài không hiệu quả trong khi năng lực quản lý và khả năng tài chính hạn chế, thiếu kiểm soát chặt chẽ, làm phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp", báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội đề cập.

Chẳng hạn, đầu tư của PVN tại dự án thăm dò khai thác dầu khí mỏ Nagumanov tại tỉnh Orenburg (Liên Bang Nga), dự án khai thác dầu tại Venezuela, dự án Lô 67 Peru…

Với các dự án đầu tư ra nước ngoài của Viettel, tập đoàn này đã đầu tư 10 thị trường tại 3 châu lục, trong đó 9 nước đã đưa vào kinh doanh, còn Myamar đang trong giai đoạn đầu tư. Tổng doanh thu đầu tư nước ngoài năm 2016 của Viettel gần 1,4 tỷ USD, góp 40% doanh thu đầu tư quốc tế của doanh nghiệp này.

Năm 2016 dự án đầu tư tại Mozambique và Haiti có lãi nhưng do biến động tỷ giá nên tập đoàn này phải trích lập dự phòng chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện, gây ra lỗ kế toán. Ba dự án Viettel đầu tư tại Burundi, Cameroon, Tanzania còn lỗ, do khai thác dưới 3 năm, đang trong giai đoạn lỗ theo kế hoạch và sẽ có lợi nhuận từ năm thứ 3 sau kinh doanh.

Kết quả giám sát cũng cho thấy, hiệu quả đầu tư vào công ty con, công ty liên kết của các tập đoàn, tổng công ty "chưa cao gây ảnh hưởng không tốt đến năng lực tài chính và hiệu quả sử dụng vốn doanh nghiệp". Trong số này nhiều dự án thua lỗ kéo dài buộc phải tạm ngừng hoạt động, như Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex), Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS)... của PVN.

Ghi nhận đóng góp, nỗ lực của doanh nghiệp Nhà nước, tuy nhiên bản báo cáo giám sát dài 52 trang cũng nêu không ít những bất cập trong hoạt động của các "ông lớn" giai đoạn 2011-2016. Đoàn giám sát của Quốc hội cho rằng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước còn chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ.

Cuối 2016 cả nước còn 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, 273 doanh nghiệp cổ phần. Tổng tài sản tại doanh nghiệp Nhà nước giữ 100% là hơn 3,05 triệu tỷ đồng (tăng 45,8%), trong đó vốn Nhà nước gần 1,4 triệu tỷ.

Ghi nhận tổng tài sản và vốn chủ sở hữu các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước tăng lần lượt 45,8% và 92,2%, nhưng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và tiền nộp ngân sách của số doanh nghiệp này lại tăng rất chậm, 18% trong 6 năm. Cùng với đó, tổng nợ phải trả cao, từ gần 1,3 triệu tỷ đồng năm 2011 lên xấp xỉ 1,63 triệu tỷ vào cuối 2016.

“Doanh nghiệp Nhà nước cũng chưa phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp”, báo cáo giám sát nêu.

Hiệu suất sinh lời trên vốn kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước đạt 2,1% năm 2015, thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (5,5%). Một số doanh nghiệp hoạt động yếu kém, làm ăn thua lỗ, tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản cao, như Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Than & Khoáng sản Việt Nam (TKV) hay Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)...

Trước những bất cập trong quản lý tài sản, vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước, Đoàn giám sát Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục chấn chỉnh hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo nghị quyết của Đảng và Quốc hội. Từ đó, chỉ đạo, xử lý nghiêm các trường hợp xác định giá trị doanh nghiệp không đúng quy định của pháp luật để trục lợi, gây thất thoát tài sản, vốn nhà nước.

Chính phủ cũng cần xây dựng chế tài xử lý đối với các trường hợp không hoặc chậm thực hiện kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán. Báo cáo Quốc hội về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc để xảy ra tồn tại, hạn chế và các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời làm rõ kết quả xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu.

Chuyên đề