Viettel đặt mục tiêu đến năm 2020 đứng trong Top 10 doanh nghiệp viễn thông trên thế giới về đầu tư ra nước ngoài. Ảnh: Lê Tiên |
Ông Thắng cũng mong muốn cộng đồng DN Việt Nam trong thời gian tới sẽ chung sức, đồng lòng để tạo nên sức mạnh tổng hợp khi đầu tư ra nước ngoài.
Ông có thể cho biết kết quả hoạt động của Viettel tại các thị trường nước ngoài năm 2015?
Năm 2015, Viettel tổ chức khai trương dịch vụ tại 2 nước là Tanzania (thương hiệu Halotel) và Burundi (thương hiệu Lumitel). Như vậy, Viettel đã có mặt tại 10 quốc gia với thị trường 270 triệu dân, bằng 3 lần Việt Nam. Hoạt động kinh doanh tại 6/10 nước đã có lãi.
Các nước còn lại sẽ có lãi trong năm 2016. Doanh thu từ hoạt động tại nước ngoài của Viettel đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng trưởng 25%. Với hơn 50 triệu dân, Tanzania là quốc gia đông dân nhất trong số các thị trường nước ngoài mà Viettel đang cung cấp dịch vụ. Thương hiệu Lumitel của Viettel tại Burundi là một trong những nhà mạng có tốc độ phát triển thuê bao cao nhất trong các thị trường Viettel từng đầu tư.
Sau 10 năm, kết quả đầu tư ra nước ngoài của Viettel đạt được những thành tựu nổi bật gì?
Cho đến nay, Viettel đã nằm trong top dẫn đầu tại 6/10 thị trường, đạt nhiều giải thưởng quốc tế lớn, đặc biệt như ở Mozambique (thương hiệu Movitel), “điều kì diệu Châu Phi” được coi là biệt danh của Movitel khi đạt tới 6 giải thưởng quốc tế lớn liên tiếp.
Đầu tư quốc tế được xác định là 1 trong 3 trụ cột chiến lược của Viettel, đó là lý do Viettel đặt mục tiêu đến năm 2020 phải đứng trong Top 10 doanh nghiệp viễn thông về đầu tư ra nước ngoài trên thế giới, với số nước từ 20 - 25, thị trường nước ngoài với dân số 600 - 800 triệu dân. Trung bình mỗi năm Viettel đầu tư vào 1 - 2 thị trường mới với tốc độ, quy mô và hiệu quả ngày càng cao. Doanh thu từ thị trường nước ngoài đang đi đúng lộ trình kế hoạch của Viettel, chúng tôi đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân 15 - 20%/năm, mỗi thị trường sẽ thu hồi vốn trong vòng 3 - 5 năm.
Đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào và ở đâu cũng sẽ luôn tiềm ẩn nguy cơ. Ngay khi bước chân ra nước ngoài, Viettel đã gặp nhiều khó khăn vì hệ thống pháp luật, tài chính và quản lý của Việt Nam chưa sẵn sàng cho việc doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
Khó khăn lớn hơn là so với các tập đoàn quốc tế khác thì Viettel đã muộn hơn họ từ 10 - 20 năm, và còn rất non trẻ về cả tiềm lực kinh tế lẫn kinh nghiệm; khó khăn về rào cản ngôn ngữ, văn hoá; khó khăn trong việc xin được giấy phép viễn thông, cạnh tranh mạnh tại thị trường đầu tư, xu hướng doanh thu đang giảm nhanh...
Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm 10 năm đầu tư quốc tế, chúng tôi luôn có sự chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với khó khăn, thách thức. Trước khi đầu tư vào một thị trường, chúng tôi có những tiêu chí và cách thức tính toán, đánh giá cơ hội và hiệu quả đầu tư rồi mới đưa ra quyết định.
Khi đầu tư vào mỗi thị trường, chúng tôi xây dựng một thương hiệu hoàn toàn mới với quan điểm đó là công ty viễn thông của người dân nước sở tại. Các sản phẩm, dịch vụ, chiến lược kinh doanh của chúng tôi đều lấy lợi ích của khách hàng làm tâm điểm để cân bằng với mục tiêu của doanh nghiệp.
Thưa ông, nếu có một lời khuyên dành cho các DN Việt Nam muốn đầu tư ra nước ngoài thì ông muốn nhắn nhủ điều gì?
Chúng tôi nhớ một câu ngạn ngữ của châu Phi mà chúng tôi thấy đúng trong mọi hoàn cảnh “Nếu bạn muốn đi nhanh, bạn hãy đi một mình. Nếu bạn muốn đi xa, hãy đi cùng nhau” (“If you want to go fast, go alone; if you want to go far, go together”). Chúng tôi đã đi trước, và chúng tôi muốn rằng các DN sẽ cùng đi với Viettel, như cách làm của chúng tôi ở tất cả các thị trường “Together for the Better – Cùng nhau tạo nên những điều tốt đẹp hơn”. Viettel và các DN Việt Nam khác hoàn toàn tự tin và có đủ năng lực để cạnh tranh trên trường quốc tế, với khát vọng và quyết tâm.