Mối quan hệ đầy sóng gió giữa Ngoại trưởng Mỹ và Trump

Tillerson không thể duy trì quan hệ tốt với Tổng thống Trump, khiến nhiều người cho rằng ông sẽ sớm phải dứt áo ra đi.
Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Tillerson trong một cuộc họp. Ảnh:Reuters.
Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Tillerson trong một cuộc họp. Ảnh:Reuters.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm qua đăng đàn tuyên bố trung thành với Tổng thống Donald Trump và khẳng định sẽ tiếp tục phục vụ cho đến khi nào Trump còn muốn ông làm vậy. Người phát ngôn của Tillerson sau đó bác bỏ thông tin do NBC News đưa ra rằng Ngoại trưởng Mỹ đã gọi Tổng thống là "kẻ khờ".

Theo Washington Post, hành động "trấn an tổng thống" như vậy của một ngoại trưởng Mỹ đương chức là chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, theo 19 quan chức và cựu quan chức cấp cao Mỹ giấu tên, nỗ lực đó của Tillerson vẫn là quá ít và quá muộn để ông có thể đảm bảo tương lai dài hạn cho mình trong chính quyền của Trump.

Quan hệ giữa Tillerson và Trump, một người từng là ông trùm dầu khí, còn người kia tự nhận mình là "bậc thầy" trong kinh doanh bất động sản, từ lâu đã bị coi là "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt". Một số quan chức Nhà Trắng cho rằng mối quan hệ này đã rạn nứt đến mức không thể hàn gắn được và sẽ dẫn tới kết cục Tillerson phải ra đi, dù có thể chưa phải ngay lập tức.

Cây bút Rich Lowry của Politico cho rằng trước khi đưa ra bài phát biểu kiểu xin lỗi hôm qua, Tillerson đã là ngoại trưởng ít có ảnh hưởng nhất trong hàng chục năm gần đây của Mỹ. Ngoài quan hệ căng thẳng với Tổng thống, cựu tổng giám đốc ExxonMobil còn chưa đưa ra được triết lý hay sáng kiến ấn tượng nào trong công tác đối ngoại. Nhân sự trong Bộ Ngoại giao của ông chưa được hoàn thiện, trong khi sự ủng hộ của các nhà ngoại giao chuyên nghiệp dành cho ông chưa được như kỳ vọng.

Nhiều bạn bè của Tillerson cho rằng ông trùm dầu khí này đã được trao một công việc "bất khả thi" và chiếc ghế Ngoại trưởng không hề dễ dàng, dù ông đã nỗ lực hết sức. Ông làm việc cho một Tổng thống nổi tiếng với các phát ngôn "mạnh miệng" và luôn đòi hỏi lòng trung thành cao độ từ cấp dưới. Theo Lowry, ngay cả những nhà ngoại giao lão luyện như Henry Kissinger hay Cardinal Richelieu cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu ngồi vào vị trí như của Tillerson.

Từng là người dẫn dắt tập đoàn dầu khí ExxonMobil, Tillerson có rất nhiều chuyến công tác ở nước ngoài, nhưng đó đều là hoạt động làm ăn, không phải thực thi công vụ. Ông trở thành lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ với kinh nghiệm đối ngoại chỉ là những hoạt động thúc đẩy lợi ích của ExxonMobil.

Lowry cho rằng đó là lý do Tillerson khó có thể hòa nhập được với cách nghĩ thông thường ở Bộ Ngoại giao. Nỗi ám ảnh về sự phục tùng của cấp dưới trở thành lý do chính để ông tái cấu trúc cơ quan này, với kết quả là nhiều nhà ngoại giao chuyên nghiệp đã dứt áo ra đi, để lại những chỗ trống vẫn chưa được lấp đầy, kể cả ở những bộ phận quan trọng.

Trong khi những vị tướng như Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis có thể cố vấn cho Tổng thống Trump về lĩnh vực quân sự, "người nghiệp dư" như Tillerson khó có thể đưa ra lời khuyên về chính sách đối ngoại cho ông chủ Nhà Trắng, Lowry nhận định.

Các ngoại trưởng đảng Cộng hòa thường thực hiện công việc của mình theo hai mô hình khác nhau. Những người như Colin Powell thường dựa vào giới công chức ngoại giao chuyên nghiệp và phớt lờ quan hệ với tổng thống, trong khi những người như Condi Rice lại xây dựng mối quan hệ gắn bó với tổng thống mà không chú trọng tới giới công chức. Tillerson lại không gắn bó được với bất cứ bên nào.

Hậu quả là Ngoại trưởng Mỹ không có vị thế vững chắc trong giới hoạch định chính sách đối ngoại, không có ảnh hưởng lớn với quốc hội, giới công chức hay với truyền thông. Những người theo chủ nghĩa quốc tế tự do muốn kiềm chế Trump thì cho rằng nước Mỹ cần một ngoại trưởng giỏi hơn Tillerson. Những người ủng hộ Trump thì muốn có một ngoại trưởng mạnh mẽ hơn Tillerson trong việc ủng hộ mục tiêu cải tổ chính sách đối ngoại Mỹ của Tổng thống.

Ngoại trưởng Tillerson gần như đã bị gạt sang bên lề trong các sự kiện lớn của chính quyền Trump, chẳng hạn như quyết định rút khỏi hiệp định biến đổi khí hậu Paris hay thỏa thuận hạt nhân Iran.

Cựu ngoại trưởng Mỹ Dean Acheson từng nói: "Điều quan trọng nhất trong quan hệ giữa tổng thống và ngoại trưởng là họ đều hiểu rõ ai là tổng thống". Có vẻ như Tillerson đã không làm được điều này, dẫn đến những xích mích giữa ông và Tổng thống Trump.

Tillerson đã công khai tách mình khỏi Trump sau vụ bạo lực ở Charlottesville, còn Trump lại đưa ra những tuyên bố trái ngược với Tillerson trong vấn đề Triều Tiên. Sau khi Tillerson tiết lộ rằng Mỹ vẫn duy trì nhiều kênh liên lạc trực tiếp với Triều Tiên nhằm bàn về chương trình hạt nhân và tên lửa, Trump viết trên mạng xã hội rằng đàm phán với Bình Nhưỡng chỉ "phí thời gian".

Vụ việc này khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Liệu Tillerson có thể được coi là tiếng nói chính thức của chính phủ Mỹ hay không. Điều đó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ, khiến nguy cơ phải "dứt áo ra đi" của ông càng trở nên cao hơn, Lowry nhận định.

Chuyên đề