Mất trụ, VN-Index thoái lui trước “cứ điểm” 1.400

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường bắt đầu tiến vào cùng đỉnh lịch sử, với ngưỡng cản đầu tiên ở 1400 điểm. VN-Index đã chớm lên 1.400,67 điểm và va chạm vào ngưỡng cản này tới 3 lần trong phiên sáng, nhưng cuối cùng vẫn không thành công...
VN-Index suy yếu đáng kể vào phiên chiều.
VN-Index suy yếu đáng kể vào phiên chiều.

Thị trường bắt đầu tiến vào cùng đỉnh lịch sử, với ngưỡng cản đầu tiên ở 1400 điểm. VN-Index đã chớm lên 1.400,67 điểm và va chạm vào ngưỡng cản này tới 3 lần trong phiên sáng, nhưng cuối cùng vẫn không thành công.

Phiên sáng nay là thời gian những cổ phiếu trụ nỗ lực tạo sự đột phá nhưng đều thất bại. Độ rộng của rổ VN30 co hẹp lại rất nhanh và đến chiều thì suy sụp. VN-Index có một nhịp trượt khá dài buổi chiều và đóng cửa gần sát đáy trong ngày, giảm 0,21% tương đương 2,89 điểm so với tham chiếu.

Tính về diễn biến trong phiên thì có hiện tượng luân phiên trụ không thành công. Cổ phiếu ngân hàng hầu hết tăng một nhịp khá nhẹ đầu phiên và yếu đi rất nhanh. VCB lúc 10h tăng 1,03% so với tham chiếu; CTG vài phút đầu tiên tăng 1,62%; BID tăng 0,5%.

Các trụ khác cũng mạnh trong buổi sáng như VNM lúc 10h15 tăng 1%; HGP tăng 0,7%. SAB đầu phiên cũng tăng 1,17%. Hai trụ mạnh là VIC và VHM cũng tốt, nhưng VHM yếu đi sớm. Duy nhất VIC duy trì nỗ lực tăng giá đến khoảng 2h15 chiều với mức tăng xấp xỉ 1% trước khi suy yếu. VIC gần như là trụ duy nhất của VN-Index buổi chiều. Đến khi cổ phiếu này tụt dốc, VN-Index rơi hẳn qua tham chiếu và tạo đáy mới trong ngày ngay trước khi bước vào đợt ATC. Đó cũng là lúc VIC tụt xuống dưới tham chiếu đúng 1 bước giá.

VN30 cuối phiên sáng vẫn còn 12 mã tăng giá và 16 mã giảm giá. Đến chiều hầu hết các mã đều lao dốc, kết phiên chỉ còn 9 mã tăng/18 mã giảm. Chỉ số đóng cửa giảm 0,27% so với tham chiếu.

Trong số blue-chips tăng, chỉ có GVR tăng 0,81% (so với giá tham chiếu điều chỉnh) và MWG tăng 1,36% là đáng kể. Nhóm VN30 lép vế đáng kể trong Top 10 cổ phiếu kéo chỉ số, phản ánh đúng thực tế là blue-chips suy yếu nhiều nhất hôm nay.

Độ rộng của HoSE vẫn khá cân bằng nhờ 195 mã tăng/208 mã giảm. Độ rộng được “cứu lại” nhờ các cổ phiếu vừa và nhỏ. Midcap duy trì 30 mã tăng/32 mã giảm nhưng chỉ số chỉ tăng 0,14%. Smallcap có 90 mã tăng/82 mã giảm, chỉ số tăng 0,46%.

Nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn tăng tốt dù các chỉ số đại diện tăng hạn chế. Nói chung trong các nhóm cổ phiếu này thì mã nào dễ đầu cơ sẽ tăng mạnh, bất kể là vốn hóa. ITD, HSL, HAR, LDG, DCM, HUB, SFG, TGG, VRC tăng giá kịch trần với thanh khoản khá cao.

Tuy nhiên thị trường đang trong giai đoạn cần các cổ phiếu trụ. Sau 7 phiên tăng liên tiếp với xấp xỉ 60 điểm, VN-Index đã tiến sát tới vùng đỉnh lịch sử. Mức cao nhất hôm nay chỉ số đã tiến vào vùng 1.400 điểm. Các mã vừa và nhỏ dù tăng tốt đến mấy thì cũng không có khả năng lôi kéo chỉ số. Trong khi đó các blue-chips lớn lại có một phiên điều chỉnh, tạo sức ép lên VN-Index đúng vào giai đoạn quyết định.

VHM lao dốc mạnh ngay từ nửa sau phiên sáng là một bất lợi lớn. Cuối phiên sáng VHM giảm 0,4% nhưng đóng cửa mất 1,11% so với tham chiếu. MSN cũng lao dốc toàn thời gian của phiên, đóng cửa giảm 1,65%. TCB sáng tăng chiều giảm, đóng cửa bốc hơi 1,13% so với tham chiếu. Hai mã dầu khí lớn nhất thì GAS giảm 0,89%, PLX giảm 2,18%....

Cổ phiếu ngân hàng cuối phiên sáng ít nhất vẫn còn ACB, CTG, HDB, VCB tăng, đến cuối phiên rớt lại đúng HDB tăng 0,59%, VPB tăng 0,41%. BID giảm 0,87%, CTG giảm 0,32%, VCB bị ép về tham chiếu. Các mã ngân hàng lớn cũng tạo sức ép nhất định.

Thị trường hôm nay cũng tỏ ra rất thận trọng khi VN-Index tiến vào vùng đỉnh cũ. Bằng chứng là ngay từ sáng, HoSE đã giảm thanh khoản tới 21% so với sáng hôm qua, chỉ đạt 9.837 tỷ đồng. Tính chung hai sàn giao dịch phiên sáng giảm 22%. Đến chiều thanh khoản càng thấp hơn, hai sàn chỉ chỉ khớp bằng 76,8% so với phiên sáng. Lực cầu tiếp tục rút lui xuống các mức giá thấp hơn đã tạo điều kiện cho giá cổ phiếu giảm trong nhóm blue-chips.

Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay bán ròng lớn ở blue-chips. Tổng giá trị bán ròng trên HoSE khoảng 520 tỷ đồng thì riêng VN30 bị bán ròng 578,4 tỷ đồng. HPG bị xả ròng tới 149,3 tỷ đồng. SSI, VNM, VHM, MSN, GAS, CTG, VCB, STB, NVL đều bị bán ròng rất nhiều. Trong khi đó blue-chips chỉ VRE được mua ròng 44 tỷ, MBB với 25 tỷ là đáng kể. HAH là cổ phiếu bù đắp một chút cho vị thế mua bán chung của khối này, khi được mua ròng 84 tỷ đồng.

Việc thị trường điều chỉnh sau chuỗi phiên tăng liên tục khá dài là bình thường, đặc biệt khi chỉ số tiến vào vùng đỉnh lịch sử. Áp lực ngắn hạn từ các cổ phiếu có lời tốt, lẫn những nhà đầu tư không muốn đánh cược vào việc thị trường có vượt đỉnh được hay không, là lực cản chính ở giai đoạn này.

Chuyên đề