M&A giúp nhiều “ông lớn” vươn mình

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tháng 1/2021, ông Trần Bá Dương chính thức đảm nhận chức Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, khép lại “cuộc tình” tỷ đô kéo dài hơn 2 năm. Đây chỉ là một trong rất nhiều cuộc mua bán và sáp nhập (M&A) diễn ra trong những năm qua. Nếu bên bị thâu tóm có tiền giải quyết tồn tại thì bên đi thâu tóm lại khuếch trương thanh thế, chiếm lĩnh thị phần.
M&A giúp nhiều “ông lớn” vươn mình

Những cuộc tình… tỷ đô

Năm 2018, Công ty CP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng do giá cao su giảm mạnh, bị mất thanh khoản, tổng nợ đến ngày 3/8/2018 là 18.414 tỷ đồng. Trong bối cảnh đó, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai đã viết thư tay cho ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO) mời gọi đầu tư. Ngày 8/8/2018, THACO ký kết hợp tác chiến lược với Hoàng Anh Gia Lai. Kể từ đó, THACO đã cùng Hoàng Anh Gia Lai giải quyết những khó khăn về tài chính để HAGL Agrico trả được nợ ngân hàng tới hạn và thực hiện việc chuyển đổi, phát triển vườn cây ăn trái. Bức tranh tài chính của HAGL Agrico dần sáng lên. Doanh thu xuất khẩu năm 2019 đạt 78 triệu USD, năm 2020 đạt 110 triệu USD.

Thoát khỏi bờ vực phá sản nhưng HAGL Agrico vẫn gặp nhiều khó khăn với các khoản nợ, nhu cầu vốn phục vụ sản xuất. Đó là lý do "hoán đổi" vị trí Chủ tịch HĐQT từ ông Đoàn Nguyên Đức sang ông Trần Bá Dương để HAGL Agrico tiếp tục thực hiện tái cấu trúc một lần nữa.

Thực tế, M&A là con đường ngắn nhất để nhiều tập đoàn tư nhân mở rộng thị trường, đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh, cơ cấu lại nguồn lực tài chính… Một minh chứng khác cho câu chuyện này có thể kể đến các thương vụ M&A của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Nếu như cuộc M&A với Công ty CP Đường Việt Nam (Vietsugar) là cuộc sáp nhập ngành dọc, giúp Vinamilk khép kín được chuỗi cung ứng nguyên liệu, thì thương vụ mua Công ty CP GTNfoods với giá khoảng 3.400 tỷ đồng lại giúp Vinamilk mở rộng thị phần thông qua mạng lưới tiêu thụ các sản phẩm thương hiệu Mộc Châu Milk, gia tăng quỹ đất chăn nuôi và quy mô đàn bò sữa.

Về mặt hiệu quả kinh doanh, sau khi về “chung nhà” với Vinamilk, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Mộc Châu Milk đã cải thiện đáng kể từ 15% lên 26,3%. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2020 đạt 175,6 tỷ đồng, cao gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2019. Tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu đến từ việc tổ chức lại hệ thống phân phối, tối ưu bán hàng và tiết giảm chi phí hoạt động.

Gây chú ý nhất trên thị trường M&A vài năm gần đây là thương vụ Công ty CP Tập đoàn Masan mua lại VinCommerce (VinMart, VinMart+) từ Tập đoàn Vingroup với giá hơn 8.500 tỷ đồng. Thương vụ bắt nguồn từ chiến lược tái cơ cấu hoạt động kinh doanh của Vingroup và mở rộng hệ sinh thái của Masan.

Sau khi về tay Masan, hệ thống VinCommerce đã được tái cấu trúc toàn diện, từ thương hiệu tới bộ máy tổ chức. Trong 9 tháng đầu năm 2020, Masan đã đóng cửa 421 siêu thị mini VinMart+ và 12 siêu thị VinMart hoạt động không hiệu quả, đồng thời mở mới 57 siêu thị mini VinMart+ và 1 siêu thị VinMart. Đến cuối tháng 9, VinCommerce có tổng cộng 2.646 điểm bán, gồm 2.524 cửa hàng VinMart+ và 122 siêu thị VinMart.

Sự gia tăng số vụ mua bán và sáp nhập (M&A) trong thời gian qua cho thấy những dấu hiệu tích cực. Nhiều doanh nghiệp đã chớp thời cơ, tạo bước đột phá trong tăng trưởng tổng tài sản, doanh thu và lợi nhuận. Dịch Covid-19 không chỉ mang đến thách thức, mà cả thời cơ cho các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính tạo ra cú hích đáng kể trong kinh doanh thông qua các thương vụ M&A.

Sau khi sáp nhập hệ thống VinMart, Masan đã chi gần 650 tỷ đồng để thâu tóm Công ty CP Bột giặt Net. Qua đó mở rộng thêm sản phẩm bột giặt trong danh mục hàng tiêu dùng của mình.

Một thương vụ được chờ đợi trong năm nay là Tổng công ty CP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) sẽ hợp nhất với Tổng công ty Viglacera (Viglacera) sau khi đã nắm giữ hơn 40% vốn điều lệ công ty này. Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra cuối năm 2020, Gelex cho biết quyết tâm hoàn thành mục tiêu thâu tóm Viglacera trước quý II/2021, có thể thâu tóm cổ phần hoặc ban quản trị. Sau khi hợp nhất với Viglacera, ban lãnh đạo Gelex đặt kế hoạch doanh thu năm 2021 đạt khoảng 33.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 1.800 tỷ đồng, tăng trưởng gấp đôi so với năm 2020.

Việc thâu tóm Viglacera nằm trong kế hoạch của Gelex về một hệ sinh thái khép kín gồm khu công nghiệp, hạ tầng điện nước và nhà ở xã hội cho người lao động, khi Viglacera rất thành công trong đầu tư vào khu công nghiệp và là thương hiệu lớn được các doanh nghiệp nước ngoài như Samsung hợp tác.

Năm 2019 - 2020 cũng chứng kiến một loạt thương vụ M&A khác trải dài trong nhiều lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, bất động sản… từ dòng vốn ngoại. Có thể kể đến thương vụ Ngân hàng Aozora của Nhật Bản mua lại 15% vốn điều lệ Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) với giá 40 triệu USD; Sumitomo Life (Nhật Bản) bỏ ra 173 triệu USD mua lại 41,4 triệu cổ phần Tập đoàn Bảo Việt; KEB Hana Bank (Hàn Quốc) bỏ ra 878 triệu USD mua 15% cổ phần Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); FWD mua lại Công ty Bảo hiểm nhân thọ Vietcombank Cardif (VCLI)… Qua đó cho thấy sự hấp dẫn của thị trường M&A Việt Nam đối với nhà đầu tư ngoại.

Chớp cơ hội vàng

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến hoạt động của doanh nghiệp, chuyên gia Phan Khánh Linh - Giám đốc Công ty Tư vấn và Đầu tư Take Profit Việt Nam cho rằng, Covid-19 là liều thuốc thử cực mạnh cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp có dòng tiền yếu và sử dụng đòn bẩy cao sẽ rất khó để gượng dậy sau cú sốc này. Còn đối với những doanh nghiệp có tài chính lành mạnh và dòng tiền tốt, nhiều công ty thậm chí còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn nhờ Covid, bởi đây là cơ hội vàng để mở rộng thị phần cũng như mua lại những doanh nghiệp cùng ngành gặp khó khăn. Và sau đợt thử thách này, họ lớn mạnh hơn rất nhiều. Đặc biệt, các tập đoàn lớn rất biết tận dụng khi nền kinh tế hoặc ngành suy thoái để tiến hành M&A, vì lúc đó họ có lợi thế đàm phán cực kỳ lớn để mua lại những doanh nghiệp nhỏ và vừa với mức giá rẻ.

Theo chuyên gia này, ngoài việc mở rộng thị phần, trở thành doanh nghiệp đa ngành, M&A cũng là cách hỗ trợ doanh nghiệp đang thiếu hụt dòng tiền được bổ sung tài chính mà không cần phải vay nợ. Bên cạnh đó, M&A cũng giúp cho nền kinh tế phát triển một cách bền vững, chuyên nghiệp hơn thay vì manh mún, nhỏ lẻ.

Chuyên đề