Lý do tên lửa Triều Tiên bay qua Nhật Bản không bị bắn hạ

Tình báo Mỹ phát hiện tên lửa vài giờ trước khi phóng, nhưng không bắn hạ vì cho rằng nó không đe dọa Bắc Mỹ và Nhật Bản.
Một hệ thống tên lửa đánh chặn của Nhật. Ảnh:JapanTimes.
Một hệ thống tên lửa đánh chặn của Nhật. Ảnh:JapanTimes.

Triều Tiên sáng nay phóng một tên lửa đạn đạo từ khu vực gần Sunan, Bình Nhưỡng. Tên lửa đạt độ cao tối đa khoảng 550 km, bay xa hơn 2.700 km và băng ngang qua bầu trời Nhật Bản trước khi rơi xuống bắc Thái Bình Dương mà không bị đánh chặn, theo CNN.

"Tên lửa Triều Tiên vẫn thường bị vỡ làm nhiều mảnh trong khi bay, nên nếu một mảnh vỡ rơi xuống Nhật Bản, ngay cả khi đó không phải là ý định của Triều Tiên, đây vẫn không khác gì một vụ tấn công vào lãnh thổ Nhật", Abraham Denmark, giám đốc chương trình châu Á tại Trung tâm Wilson, nhận định.

Trên thực tế, quả tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 đã bị vỡ làm ba phần trong hành trình bay, nhưng tất cả đều rơi xuống biển.

Washington Post dẫn nguồn tin từ các cơ quan tình báo Mỹ cho biết các vệ tinh do thám của nước này đã giám sát chặt chẽ các địa điểm Triều Tiên có thể phóng tên lửa, trong đó có bãi phóng ở Sunan. Các cơ quan tình báo Mỹ xác nhận họ đã phát hiện dấu hiệu của vụ phóng từ trước đó vài giờ, khi nhận thấy các thiết bị tên lửa Hwasong-12 được di chuyển đến Sunan.

Hwasong-12 là loại tên lửa đạn đạo phóng từ bệ phóng di động trên xe tải, giúp Triều Tiên có thể dễ dàng di chuyển tên lửa đi khắp nơi và khai hỏa trong thời gian ngắn.

Đại tá Rob Manning, người phát ngôn quân đội Mỹ, cho biết Cơ quan Phòng thủ Bắc Mỹ (NORAD) đánh giá quả tên lửa vừa được Triều Tiên phóng lên không phải là mối đe dọa cho khu vực Bắc Mỹ.

Đường bay của tên lửa Triều Tiên vừa phóng.

Đài truyền hình NHK của Nhật cũng phát hình ảnh các hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot của nước này đang ở tư thế sẵn sàng chiến đấu, có thể khai hỏa bắn hạ tên lửa bay tới bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã không ra lệnh đánh chặn vì quỹ đạo bay của quả tên lửa rõ ràng không nhằm vào lãnh thổ Nhật.

"Chúng tôi sẽ thực hiện mọi nỗ lực có thể để bảo vệ sinh mạng và tài sản của công dân", Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố trước khi bước vào cuộc họp hội đồng an ninh quốc gia sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.

Nhật Bản đang sở 6 tổ hợp tên lửa phòng không PAC-3 Patriot và 4 tàu khu trục mang lá chắn tên lửa RIM-161 SM-3 có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo Triều Tiên. Trong khi hệ thống PAC-3 có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo trong phạm vi 30 km, SM-3 có thể đánh chặn tên lửa đối phương từ giai đoạn phóng lên không gian và bay tới mục tiêu.

Chuyên đề