Lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu giảm mạnh trong 3 tháng

0:00 / 0:00
0:00
Trong 3 tháng đầu năm nay, khối lượng nhập khẩu mặt hàng gỗ nguyên liệu ước đạt 1,204 triệu m³, trị giá 453,4 triệu đô la Mỹ, giảm 33,6% về lượng và giảm 17,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhập khẩu gỗ nguyên liệu giảm mạnh trong 3 tháng vừa qua. Trong ảnh là sản xuất của một doanh nghiệp gỗ trong nước. Ảnh minh họa: TL
Nhập khẩu gỗ nguyên liệu giảm mạnh trong 3 tháng vừa qua. Trong ảnh là sản xuất của một doanh nghiệp gỗ trong nước. Ảnh minh họa: TL

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ước tính, nhập khẩu gỗ nguyên liệu tháng 3 vừa qua đạt 415,3 ngàn m³, trị giá 155,8 triệu đô la, tăng 13,7% về lượng và tăng 15,2% về trị giá so với tháng 2-2022. So với tháng 3 năm ngoái thì nhập khẩu gỗ giảm 36,2% về lượng và giảm 21,7% về trị giá.

Tính chung 3 tháng đầu năm nay, nhập khẩu mặt hàng này ước đạt 1,204 triệu m³, trị giá 453,4 triệu đô la, giảm 33,6% về lượng và giảm 17,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Theo các chuyên gia dự báo, nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục giảm do nguồn cung hạn chế, và do chi phí logistic tăng cao.

Theo TS. Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Forest Trends, Việt Nam là một quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn, nhưng lại phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, vì vậy thương mại ngành gỗ giữa Việt Nam với Nga nghiêng hẳn về nhập khẩu gỗ nguyên liệu.

Với lượng cung gỗ nguyên liệu khổng lồ từ Nga bị sụt giảm hoặc bị mất đi trong tương lai, bức tranh cung gỗ nguyên liệu toàn cầu sẽ bị tác động mạnh. Việt Nam là một quốc gia cũng phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, với lượng nhập từ 5-6 triệu mét khối gỗ quy tròn mỗi năm, ông Phúc chia sẻ.

Mặt khác, chi phí vận chuyển tăng cao cũng khiến cho các doanh nghiệp lo ngại nhập khẩu gỗ nguyên liệu.

Để tránh phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, các doanh nghiệp cần tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ đưa ra các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích việc trồng rừng gỗ lớn. Các cơ chế chính sách cũng cần tập trung vào tạo môi trường nhằm thu hút doanh nghiệp chế biến vào đầu tư tại các vùng nguyên liệu rừng trồng. Đồng thời cần thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ trồng rừng nhằm tạo nguồn gỗ lớn có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu.

Chuyên đề