Luồng gió mới thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam với Indonesia và Myanmar

Thống kê cho thấy, kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Indonesia tăng từ 4,6 tỷ USD trong năm 2012 lên 5,6 tỷ USD trong năm 2016.
Kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Indonesia tăng từ 4,6 tỷ USD trong năm 2012 lên 5,6 tỷ USD trong năm 2016. Ảnh minh họa: TTXVN
Kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Indonesia tăng từ 4,6 tỷ USD trong năm 2012 lên 5,6 tỷ USD trong năm 2016. Ảnh minh họa: TTXVN

Nhận lời mời của Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar Htin Kyaw, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm chính thức Cộng hòa Indonesia từ ngày 22 - 24/8 và Cộng hòa Liên bang Myanmar từ ngày 24 - 26/8. Hai chuyến thăm này như một luồng gió mới cho quan hệ kinh tế hai nước trong tương lai.

Đối tác chiến lược

Với nhiều điểm tương đồng, Việt Nam và Indonesia cùng là thành viên ASEAN, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)…. Nhiều năm qua, Indonesia là đối tác quan trọng, giàu tiềm năng của Việt Nam và ngược lại, Indonesia cũng đánh giá cao việc Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất trong ASEAN mà Indonesia thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.

Theo Vụ Thị trường Châu Á-Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), Indonesia có nền kinh tế lớn thứ 16 trên thế giới và cũng là thị trường lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Thời gian qua, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và khu vực gặp nhiều khó khăn, có nhiều diễn biến phức tạp, trao đổi thương mại giữa hai nước vẫn có những bước phát triển đáng khích lệ.

Đặc biệt, kể từ khi trở thành đối tác chiến lược năm 2013 đến nay, kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam - Indonesia ngày càng gia tăng.

Thống kê cho thấy, kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Indonesia tăng từ 4,6 tỷ USD trong năm 2012 lên 5,6 tỷ USD trong năm 2016 với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 5%/năm.

Riêng 6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Indonesia đã đạt 3,19 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia đạt 1,42 tỷ USD, tăng 12% và nhập khẩu từ Indonesia đạt 1,77 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ.

Sau 62 năm quan hệ ngoại giao, hai nước vẫn luôn giữ vững và phát triển mạnh mẽ. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia chủ yếu gồm gạo, dầu thô, xi măng, linh kiện điện tử, hàng nông sản. Việt Nam nhập khẩu từ Indonesia các mặt hàng phân bón, xăng dầu, bao bì, thiết bị máy móc, vải sợi, giấy và bánh kẹo.

Đáng lưu ý là Indonesia đang tiếp tục đứng thứ 5 trong ASEAN và thứ 30/105 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 59 dự án, tập trung vào các lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí, khai thác than, ngân hàng, khách sạn, chế biến xuất khẩu gỗ, sản xuất sợi và may mặc.

Một số dự án đầu tư lớn của Indonesia tại Việt Nam như: Liên doanh Hotel Horizon Hà Nội, bệnh viện quốc tế Ciputra Hà Nội.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia còn gặp trở ngại như: gạo, điện thoại di động, máy tính, máy tính bảng, tôn thép… nên việc tiếp tục tiến hành phiên họp Ủy ban hỗn hợp giữa hai nước sẽ có ý nghĩa không nhỏ trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư trong thời gian tới nhằm kịp thời tháo gỡ các vướng mắc. Đặc biệt, tăng cường xúc tiến thương mại, đầu tư và trao đổi các đoàn thương mại.

Bộ trưởng Thương mại Indonesia Enggartiasto Lukita cho biết, nước này vẫn luôn ưu tiên cho Việt Nam nếu phải nhập khẩu gạo. Không chỉ vậy, ông Enggartiasto Lukita đánh giá cao việc hai bên đã hợp tác trong xuất nhập khẩu, chế biến hồ tiêu và cho biết sẽ tiếp tục phát triển lĩnh vực này.

Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt, phấn đấu đạt kim ngạch thương mại 10 tỷ USD vào năm 2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ: "Hai bên đã nhất trí tăng cường hơn nữa trao đổi đoàn các cấp, tích cực trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm quản lý và phát triển, nghiên cứu xây dựng các khuôn khổ hợp tác mới trên nhiều lĩnh vực".

Ngoài ra, hai bên cũng thống nhất cần hợp tác chặt chẽ hơn để giải quyết một số khó khăn vướng mắc trong quan hệ giữa hai nước. Đặc biệt, khuyến khích, thúc đẩy kết nối các thành phần kinh tế tư nhân của hai nước để phát huy hơn nữa tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Indonesia.

Bạn hàng tiềm năng

Không chỉ dừng chân ở Indonesia, chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Cộng hòa Liên bang Myanmar cũng nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại nhất là khi Việt Nam và Myanmar ngày càng gắn kết và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam và Myanmar đã thiết lập quan hệ ngoại giao hơn 40 năm qua và không ngừng phát triển. Năm 2016, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Myanmar đạt 536 triệu USD, vượt mục tiêu kim ngạch 500 triệu USD mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đặt ra. Với kết quả này, Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Myanmar.

Riêng 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại song phương 2 nước đã đạt 250,2 triệu USD, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xuất khẩu sang Myanmar đạt 191,7 triệu USD, tăng 29%; nhập khẩu từ Myanmar đạt 58,5 triệu USD, tăng 191%. Như vậy, Việt Nam xuất siêu sang Myanmar 133,3 triệu USD trong 4 tháng, tăng 3,7% so với cùng kỳ.

Trong số các nhóm hàng xuất khẩu sang Myanmar, phương tiện vận tải và phụ tùng đứng đầu về kim ngạch, chiếm 11,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này, đạt trên 22,9 triệu USD và tăng 50,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đến nhóm sản phẩm từ sắt thép, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, sản phẩm nhựa , kim loại thường…

Đánh giá từ các chuyên gia thương mại, xuất khẩu hầu hết các nhóm hàng hóa sang thị trường Myanmar 4 tháng đầu năm nay đều đạt mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tăng trưởng mạnh nhất ở các nhóm hàng hóa chất, dệt may, sản phẩm nhựa.

Ông Vũ Cường, Phó trưởng phòng Đông Bắc Á, Vụ Thị trường châu Á- Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho biết, các sản phẩm Việt Nam được khách hàng Myanmar khá ưa chuộng, do chất lượng tốt và giá cả thấp so với 2 đối thủ cạnh tranh hàng tiêu dùng chính là Trung Quốc và Thái Lan.

Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại sang Myanmar cũng đã được Bộ Công Thương và địa phương tổ chức thường xuyên. Hơn nữa, Việt Nam là một trong những nước tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại sớm nhất tại Myanmar.

Tuy nhiên, ông Vũ Cường cũng thừa nhận những khó khăn khi xuất khẩu sang thị trường này cũng không hề nhỏ bởi hàng Việt chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ các nước khác có sản phẩm tương đồng. Không những thế, hàng hóa Việt Nam còn gặp bất lợi về thời gian vận chuyển dài, chi phí vận chuyển cao.

Hiện nay, trung bình thời gian vận chuyển hàng hóa bằng đường biển từ Việt Nam sang Myanmar mất khoảng 2 tuần.

Cùng với chi phí vận chuyển cao, thủ tục hải quan và kiểm dịch của Myanmar còn chậm, hàng hóa Việt Nam, nhất là các sản phẩm thực phẩm chế biến ăn liền có thời hạn sử dụng ngắn, gặp nhiều bất lợi, giảm sức cạnh tranh cho các đối thủ.

Mặt khác, doanh nghiệp Việt vẫn còn thiếu thông tin, chưa chủ động nghiên cứu và khảo sát kỹ lưỡng thị trường Myanmar. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam phần lớn năng lực tài chính còn hạn chế, chưa xây dựng chiến lược bài bản khi thâm nhập thị trường Myanmar. Điều này rất bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong cạnh tranh với các doanh nghiệp có tiềm lực và làm ăn chuyên nghiệp của Thái Lan, Trung Quốc.

Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này, Vụ Thị trường châu Á- Thái Bình Dương khuyến cáo doanh nghiệp nên tập trung vào 9 nhóm hàng có thế mạnh ở Myanmar như xe máy, xe đạp; xe tải nhỏ; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; sắt thép và sản phẩm sắt thép; sản phẩm hóa chất; bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc; clanke và xi măng; nhựa và sản phẩm nhựa; hàng dệt may.

Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cần đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, xây dựng thương hiệu dựa trên chất lượng và giá trị gia tăng. Cùng đó, cần nắm rõ về chính sách thuế, hải quan, các doanh nghiệp cần chú trọng nghiên cứu văn hóa tiêu dùng để chọn cách tiếp cận đối tác phù hợp.

Nhằm đưa quan hệ thương mại Việt Nam-Myanmar phát triển theo hướng bền vững, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị phía Myanmar hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu xi măng - mặt hàng Myanmar có nhu cầu lớn và Việt Nam có thế mạnh. Đồng thời thu hẹp danh mục các mặt hàng yêu cầu giấy phép nhập khẩu (không tự động) khi xuất khẩu vào Myanmar, đặc biệt là quả thanh long của Việt Nam.

Chuyên đề