Lùm xùm tại Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

(BĐT) - Báo Đấu thầu vừa nhận được đơn thư phản ánh về những dấu hiệu vi phạm quản lý tài chính trong hoạt động của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (gọi tắt là Nhà trường). 
Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho cá nhân vay tín chấp 6 tỷ đồng để kinh doanh bột sắn dây. Ảnh: An Xuân
Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho cá nhân vay tín chấp 6 tỷ đồng để kinh doanh bột sắn dây. Ảnh: An Xuân

Trong đó, đáng chú ý là việc Nhà trường cho vay tín chấp cá nhân để thực hiện kinh doanh, hay một số cá nhân tự ý quyết định nhà thầu thi công cho các công trình của Nhà trường không thông qua HĐQT.

Nguy cơ mất vốn từ cho vay tín chấp

Theo đơn phản ánh của ông Lại Việt Hùng, Ủy viên HĐQT, nguyên Trưởng phòng Quản trị A của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, có dấu hiệu một số cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong quản lý để chiếm đoạt tài sản cổ đông.

Cụ thể, ông Hà Đức Trụ, Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã ký hợp đồng cho vay với cựu phi công Mai Trọng Tuấn để kinh doanh bột sắn dây với số tiền là 6 tỷ đồng. Điều đáng nói, quyết định cho vay không được thông qua HĐQT và chỉ được phê duyệt bởi Chủ tịch HĐQT. Hợp đồng cho vay được thực hiện theo hình thức tín chấp, không có tài sản bảo đảm hay bảo lãnh ngân hàng.

Ông Hùng cho rằng, một trường đại học cho cá nhân vay đầu tư kinh doanh như vậy là sai mục đích. Hơn nữa, do cho vay theo hình thức tín chấp và ông Tuấn không có khả năng trả nợ, khoản cho vay này đã phân loại thành nợ xấu và khó thu hồi. Qua đó làm thất thoát tài sản của Nhà trường, đặc biệt là tài sản góp vốn của các cổ đông.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Hà Đức Trụ thừa nhận có việc Nhà trường cho ông Tuấn vay tiền để kinh doanh sắn dây, nhưng trước khi cho vay đã tổ chức họp và được HĐQT thông qua.

Cụ thể, dựa vào giấy đề nghị vay vốn để kinh doanh của ông Tuấn, ngày 29/2/2016, Hiệu trưởng, Chủ tịch HĐQT Nhà trường đã có bút phê đồng ý cho ông Tuấn vay 6 tỷ đồng. Theo đó, đề nghị ông Trụ xuất tiền cả gói, hoặc theo từng đợt, theo từng thời gian khác nhau như đã được phê duyệt. Sau đó, Nhà trường đã ký hợp đồng cho ông Tuấn vay theo hình thức tín chấp.

Trong thời gian qua, Nhà trường đã đưa vào báo cáo kiểm toán vấn đề này với cách tính là nợ quá hạn, nợ xấu để xử lý theo quy định. Tại báo cáo kiểm toán (tháng 7/2018) của Công ty kiểm toán độc lập AASC, trong mục “Phải thu cho vay ngắn hạn” đã liệt kê chi tiết các khoản phải thu cho vay ngắn hạn, trong đó có số tiền này. Nhà trường, ông Hà Đức Trụ và những cá nhân có trách nhiệm đã và đang đòi nợ. 

Tự ý lựa chọn nhà thầu cho các dự án

Cũng theo đơn phản ánh của ông Lại Việt Hùng, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản như xây dựng, mua sắm tài sản Nhà trường hầu hết không thông qua ĐHĐCĐ, mà một số cá nhân lợi dụng chức vụ của mình để chỉ định đơn vị thực hiện.

Đơn cử như Hợp đồng cải tạo sửa chữa các phòng thực hành y - dược của Trường; Hợp đồng cải tạo Khoa Răng hàm mặt và Hợp đồng cơi nới phòng học tại Nhà C. Ba hợp đồng này tổng trị giá khoảng 25 tỷ đồng, được thi công không qua đấu thầu, không giám sát, không bàn giao, không nghiệm thu và cũng không có các bản vẽ hoàn công để bảo trì, sửa chữa,… Không có các hồ sơ thi công như trên, nhưng nhà thầu vẫn được ứng tiền và thanh toán tiền.

Trao đổi với Báo Đấu thầu về vấn đề trên, ông Hà Đức Trụ cho biết, mọi hoạt động lựa chọn nhà thầu để thi công các công trình của Nhà trường đều được thông qua HĐQT. Và theo quy chế của Nhà trường thì không cần thông qua đấu thầu. Các dự án của Nhà trường thường lựa chọn Công ty Phương Trang và Media để thực hiện.

Báo Đấu thầu sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên.

Chuyên đề