Ngày 16/5, phiên xử đại gia Hứa Thị Phấn (71 tuổi, nguyên cố vấn cao cấp Ngân hàng Đại Tín - TrustBank) cùng 27 đồng phạm tiếp tục với phần thẩm vấn, làm rõ cáo buộc lập chứng từ khống hơn 5.256 tỷ đồng của nhà băng rồi đẩy nợ cho Công ty Cổ phần Đầu tư Phương Trang.
Từ tháng 5/2010 đến tháng 2/2012, Đại Tín đã giải ngân cho Công ty Phương Trang và nhiều người khác (có quan hệ hợp tác) tổng cộng 83 khoản vay và một khoản phát hành trái phiếu với số tiền trên sổ sách là gần 16.500 tỷ đồng. Tuy nhiên Công ty Phương Trang chỉ thừa nhận được giải ngân thực tế hơn 3.900 tỷ.
Bà Phấn bị cho là đã lợi dụng Phương Trang đang cần vốn mở rộng kinh doanh, buộc doanh nghiệp này ký trước hồ sơ vay, chứng từ giải ngân và chứng từ nhận tiền mặt nhưng không giải ngân, hoặc chuyển tiền không đủ. Bà Phấn sau đó chỉ đạo cán bộ ngân hàng lập chứng từ thu khống, hạch toán khống trên hệ thống SmartBank, đẩy dư nợ khống cho Phương Trang để cấn trừ vào số tiền đã chiếm đoạt.
Các luật sư bào chữa cho bà Phấn và bảo vệ cho nhóm Phương Trang trên hàng ghế đầu.
Bà Trương Thị Minh Thơ (một trong những luật sư của bà Phấn) không đồng ý với cáo buộc thân chủ, cho biết khi có kết luận điều tra các luật sư đã gửi khiếu nại đến VKS nhưng trong hồ sơ vụ án không thể hiện điều này.
Bà Thơ cũng công bố đoạn ghi âm, được cho là trao đổi giữa bà Phấn với ông Nguyễn Hữu Luận (Chủ tịch HĐQT Công ty Phương Trang), ông Phạm Đăng Quang (Tổng giám đốc Phương Trang), ông Trịnh Thanh Cao (người giới thiệu ông Luận với bà Phấn). Theo đó, đoạn ghi âm có nội dung phía công ty này xác nhận nợ số tiền trên 9.000 tỷ đồng.
Bảo vệ quyền lợi cho Phương Trang, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng, việc công bố các tài liệu chưa được đánh giá có thể ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của những người liên quan.
HĐXX sau đó yêu cầu luật sư Thơ nộp lại toàn bộ tài liệu, file ghi âm để tòa xem xét.
Phương Trang bị đòi trả hơn 9.400 tỷ đồng
Trước đó, liên quan đến các khoản vay giữa Phương Trang với Đại Tín và trách nhiệm trả nợ, luật sư Lưu Văn Tám (bào chữa cho bà Hứa Thị Phấn) đặt nhiều câu hỏi với các bên.
Đại diện Ngân hàng CB (trước đây là TrustBank, tiền thân là Đại Tín) xác nhận đã kế thừa toàn bộ các khoản vay của Phương Trang với ngân hàng này. Hiện có khoảng 46 khoản vay và một khoản phát hành trái phiếu 2.000 tỷ đồng với dư nợ gốc hơn 9.400 tỷ đồng chưa tất toán hết.
Trong số các khoản dư nợ hiện nay, nhóm Phương Trang cũng đã có nhiều đơn xin ngân hàng được miễn giảm lãi với lý do là không có khả năng tài chính.
Về việc nhóm Phương Trang chỉ nhận thực vay 3.900 tỷ đồng, đại diện CB cho biết đây chỉ là khoản tiền mặt nhóm Phương Trang nhận với bên thứ 3.
Tuy nhiên, khi được hỏi về những vấn đề liên quan đến khoản nợ, đại diện Công ty Phương Trang khẳng định "không có ký khoản nợ nào 9.400 tỷ đồng". Số tiền vay thực tế chỉ hơn 3.900 tỷ đồng và chỉ nhận trách nhiệm về khoản này. Công ty sẽ trả cả gốc và lãi khi có kết quả từ vụ án.
Theo Phương Trang, số liệu mà CB đưa ra dựa trên các tài liệu đang được cơ quan điều tra xác định là không hợp với thực tế. Khi phát hiện những sai phạm của bà Phấn trong việc đẩy nợ cho mình, do nằm ngoài khả năng giải quyết nên Phương Trang đã làm đơn tố cáo với công an và Ngân hàng Nhà nước cũng như các cơ quan trung ương can thiệp.
Các bị cáo tại tòa.
Trả lời HĐXX về quan hệ vay mượn giữa bà Phấn và Phương Trang, các bị cáo Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam, Ngô Kim Huệ (cựu Chủ tịch, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc TrustBank) khai có biết quan hệ vay mượn giữa bà Phấn với Phương Trang. Nhưng chính xác như thế nào thì không rõ, chỉ có bà Phấn hoặc bị cáo Bùi Thị Kim Loan (kế toán Công ty Phú Mỹ) biết. Việc vay mượn Phương Trang chủ yếu làm việc trực tiếp với bà Phấn. Chỉ một số khoản vay được thông qua HĐTD.
Trước đó, HĐXX, VKS và các luật sư đã thẩm vấn các bị cáo liên quan đến việc ký khống vào các chứng từ, bảng kê giúp bà Phấn vay tiền của Đại Tín gây thiệt hại hơn 5.256 tỷ đồng. Hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi sai phạm. Tuy nhiên, họ cho rằng chỉ giúp bà Phấn vì là người thân trong gia đình, hoặc làm theo chỉ đạo chứ không hưởng lợi.
Riêng bị cáo Loan phủ nhận việc cơ quan điều tra kết luận mình là trợ lý của bà Phấn, cũng như là người chỉ đạo cán bộ, nhân viên Đại Tín thực hiện các hành vi sai phạm.
Loan cho rằng, mình chỉ là kế toán của Công ty Phú Mỹ (của bà Phấn) không có chức vụ quyền hạn gì nên không có chuyện chỉ đạo cáo bị cáo khác.
Trong phạm vi vụ án đang được xét xử, HĐXX đã làm rõ hành vi của các bị cáo liên quan trong việc nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch bán lại cho Đại Tín giúp bà Phấn chiếm đoạt hơn 1.105 tỷ đồng.