Lựa chọn tổ chức bán đấu giá vẫn hình thức

(BĐT) - Sau hơn 3 tháng Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) chính thức có hiệu lực, rất nhiều đơn vị và người có tài sản đấu giá đã dùng phương pháp lựa chọn tổ chức bán ĐGTS để thực hiện bán ĐGTS thuộc sở hữu của mình theo đúng quy định. 
Lựa chọn tổ chức bán đấu giá vẫn hình thức

Tuy nhiên, kết quả lựa chọn lại không được công bố rõ ràng, dẫn đến những hoài nghi về sự thiếu minh bạch. Một số tổ chức ĐGTS chuyên nghiệp cho rằng, nếu không có tiêu chí rõ ràng thì việc lựa chọn tổ chức bán ĐGTS vẫn chỉ mang tính hình thức.

Công bố mà không nêu lý do

Theo quy định của Luật ĐGTS, việc ĐGTS đối với các loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá sẽ phải thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Chương III và Chương IV của Luật. Các tiêu chí cụ thể lựa chọn tổ chức bán ĐGTS quy định tại Khoản 4 Điều 56 của Luật bao gồm: cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho việc đấu giá đối với loại tài sản đấu giá; phương án đấu giá khả thi, hiệu quả; năng lực, kinh nghiệm và uy tín của tổ chức bán ĐGTS; thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí ĐGTS phù hợp; có tên trong danh sách các tổ chức bán ĐGTS do Bộ Tư pháp công bố; các tiêu chí khác phù hợp với tài sản đấu giá do người có tài sản đấu giá quyết định.

Thời gian qua, có rất nhiều đơn vị/người có tài sản đã áp dụng các quy định cụ thể tại Khoản 4 Điều 56 để lựa chọn tổ chức bán ĐGTS thuộc sở hữu của mình. Mặc dù công khai trong việc thông báo lựa chọn tổ chức ĐGTS, nhưng kết quả lựa chọn lại được “ỉm đi”, không mấy đơn vị/người có tài sản công khai nội dung này.

Qua khảo sát của Báo Đấu thầu, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội (HARACO) là một trong số ít các đơn vị công khai cả thông báo lựa chọn tổ chức ĐGTS và kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm lựa chọn đơn vị tư vấn bán ĐGTS. Theo đó, trong tháng 9/2017, HARACO thông báo lựa chọn tổ chức bán ĐGTS cho lô tài sản (gồm 134 toa xe các loại và 1 xe ô tô Mercedes-Benz). Các tiêu chí mà HARACO đưa ra trong thông báo lựa chọn tuân thủ đúng quy định tại Khoản 4 Điều 56 của Luật.

Song, điều đáng nói ở đây, khi chính thức công khai thông báo kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, HARACO lại chỉ đưa ra thông báo rất vắn tắt tên của tổ chức bán ĐGTS đáp ứng yêu cầu và danh sách các tổ chức bán ĐGTS không đáp ứng yêu cầu.

Theo phản hồi của đấu giá viên thuộc một tổ chức bán ĐGTS có tham gia nộp hồ sơ quan tâm, việc thông báo vỏn vẹn như vậy khiến cho các tổ chức bán ĐGTS không biết được hồ sơ của mình thiếu những yếu tố gì mà không được chọn. Băn khoăn này sẽ làm nảy sinh tâm lý ngờ vực về sự thiếu minh bạch trong việc lựa chọn đơn vị bán ĐGTS. 

Cần rõ tiêu chí đánh giá ngay từ đầu

Ví dụ về việc lựa chọn tổ chức bán ĐGTS theo các tiêu chí quy định trong Luật ĐGTS tại HARACO chỉ là một trong những minh chứng điển hình về việc công bố thiếu rõ ràng kết quả lựa chọn tổ chức bán ĐGTS. Trên thực tế, có nhiều đơn vị/người có tài sản thậm chí còn không công bố công khai trên trang thông tin điện tử của mình và nếu có công bố, thì cũng chỉ là những thông tin vỏn vẹn như thông báo của HARACO.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một cán bộ của Phòng Tài chính thuộc HARACO cho biết, HARACO thành lập Hội đồng để đánh giá hồ sơ quan tâm lựa chọn đơn vị tư vấn bán ĐGTS. Việc đánh giá được thực hiện theo các tiêu chí đã đưa ra trong Thông báo lựa chọn tổ chức ĐGTS.

Tuy nhiên, cán bộ này cũng thừa nhận rằng, trong thông báo của HARACO không nêu rõ lý do các tổ chức bán ĐGTS không đáp ứng tiêu chí vì nếu thông tin thì “rất dài”. “Các đơn vị nào có thắc mắc thì cứ liên hệ tới Công ty sẽ được chúng tôi giải đáp tiêu chí rất rõ ràng” – cán bộ này cho biết.

Theo quan điểm của một đấu giá viên kỳ cựu, để quá trình lựa chọn tổ chức bán ĐGTS công khai, minh bạch, người có tài sản đấu giá cần quy định cụ thể về các tiêu chí phù hợp với tài sản đấu giá. Trong đó, đơn vị/người có tài sản đấu giá phải công bố tiêu chí để đánh giá tổ chức bán ĐGTS là đạt hay không đạt theo các tiêu chí lựa chọn đã được đưa ra ban đầu. Việc công khai những tiêu chí này sẽ giúp quá trình cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bán ĐGTS được bình đẳng, công khai.

Ngoài ra, theo đấu giá viên này, việc công khai kết quả (lựa chọn tổ chức bán ĐGTS, kết quả ĐGTS) cũng phải được thực hiện với cách thức minh bạch nhất. Hiện, Luật ĐGTS và Nghị định 62/2017/NĐ-CP mới chỉ quy định phải thông báo công khai việc ĐGTS, giá khởi điểm và phương thức đấu giá (Điều 57 và 58 Luật ĐGTS); thông báo kết quả đấu giá trực tuyến (Điều 11 Nghị định 62/2017/NĐ-CP). Việc công khai kết quả đấu giá được quy định rất mờ nhạt trong Luật là: “Người có tài sản đấu giá có nghĩa vụ báo cáo cơ quan có thẩm quyền về việc lựa chọn tổ chức ĐGTS, diễn biến cuộc đấu giá và kết quả ĐGTS trong trường hợp ĐGTS nhà nước”.

Theo một số chuyên gia, công khai kết quả đấu giá có mục đích giúp cho việc lựa chọn tổ chức ĐGTS, kết quả ĐGTS được khách quan, minh bạch. Đây cũng là cách giúp các tổ chức, cá nhân thực hiện chức năng giám sát cộng đồng trong hoạt động đấu giá, từ đó loại bớt dần tình trạng thông đồng, “quân xanh, quân đỏ” trong hoạt động này.

Chuyên đề