Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đưa ra tiêu chí quá cao trong lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Ảnh: Đinh Tuấn |
Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại những băn khoăn về tính công khai, minh bạch như mục đích của quy định này.
Tiêu chí lựa chọn “khắt khe”
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 56 Luật ĐGTS, tổ chức ĐGTS phải đáp ứng một số tiêu chí chung và tiêu chí khác phù hợp với tài sản đấu giá do người có tài sản đấu giá quyết định.
Quy định như vậy để người có tài sản có thể lựa chọn được tổ chức ĐGTS có năng lực, kinh nghiệm nhằm bán được tài sản đấu giá với giá cao nhất. Dù có các tiêu chí khác do người có tài sản đấu giá quyết định thì Khoản 4 Điều 56 Luật ĐGTS đặc biệt nhấn mạnh đến việc các quy định phải phù hợp với tài sản đấu giá.
Áp dụng quy định này, đối với “tiêu chí khác phù hợp với tài sản đấu giá do người có tài sản đấu giá quyết định”, mỗi đơn vị lại có quy định khác nhau, thậm chí có phần “khắt khe” đối với tổ chức ĐGTS.
Đơn cử, từ tháng 7 đến tháng 12/2018, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã thông báo lựa chọn tổ chức bán ĐGTS đối với 3 lô hàng hóa có giá trị khác nhau. Cụ thể là Kho hàng số 5, diện tích 5.568 m2, xây dựng năm 2005, chất lượng còn lại 16,9% với giá khởi điểm 899,305 triệu đồng; 7 cẩu khung bánh lốp Mijack3+1 và 2 cano có tổng giá khởi điểm dự kiến là 13,98 tỷ đồng; một số tài sản trên đất không còn nhu cầu sử dụng tại Tân Cảng Sóng Thần và một số vỏ container.
Mặc dù tài sản có giá trị rất khác nhau nhưng Tổng công ty đều đưa ra cùng tiêu chí bắt buộc để lựa chọn tổ chức ĐGTS, trong đó có một số tiêu chí do chính Tổng công ty quy định. Cụ thể, người đại diện pháp luật, đấu giá viên phải tốt nghiệp Đại học Luật TP.HCM/Hà Nội. Người đại diện pháp luật phải có tối thiểu 8 năm công tác trong lĩnh vực pháp lý, trên 5 năm công tác trong lĩnh vực đấu giá; phải trải qua lớp đào tạo nghiệp vụ đấu giá; có chứng chỉ hành nghề luật sư/chứng chỉ tốt nghiệp luật sư. Đấu giá viên phải có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ luật sư/có chứng chỉ hành nghề luật sư; có kinh nghiệm trong lĩnh vực đấu giá. Đáng chú ý, tổ chức ĐGTS phải có từ 5 chi nhánh trở lên, thời gian hoạt động từ 5 năm trở lên…
Phóng viên Báo Đấu thầu đã liên hệ với cán bộ tên Sơn, Phòng Kế hoạch - Kinh doanh thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn để tìm hiểu về các tiêu chí lựa chọn tổ chức ĐGTS của đơn vị này. Tuy nhiên, vị cán bộ này chỉ trả lời ngắn gọn: “Các tiêu chí được đưa ra dựa trên quy định của Luật ĐGTS”. Khi phóng viên hỏi về việc “Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đưa ra tiêu chí lựa chọn có dựa trên giá trị tài sản bán đấu giá không?”, cán bộ này từ chối trả lời.
Việc lựa chọn tổ chức ĐGTS đối với lô tài sản trên đất không còn nhu cầu sử dụng tại Tân Cảng Sóng Thần và một số vỏ container được Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn công khai. Nhưng khi Báo Đấu thầu đề cập đến giá khởi điểm của lô tài sản được đem ra đấu giá, ông Sơn cũng lảnh tránh, không công khai thông tin.
Không đưa ra tiêu chí hạn chế sự tham gia của các tổ chức ĐGTS
Theo quy định tại Điều 10 Luật ĐGTS, đấu giá viên có thể tốt nghiệp đại học hoặc trên đại học thuộc một trong các chuyên ngành luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng; tốt nghiệp khóa đào tạo nghề đấu giá; đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá.
Với quy định pháp luật như vậy, một lãnh đạo doanh nghiệp đấu giá đã hoạt động từ năm 2007 bình luận, dù người có tài sản được pháp luật cho phép quy định một số tiêu chí khác khi lựa chọn tổ chức ĐGTS, tuy nhiên nếu quy định tiêu chí bắt buộc đấu giá viên chỉ tốt nghiệp Đại học Luật mà không chấp nhận nhiều chuyên ngành khác sẽ làm hạn chế sự tham gia của nhiều tổ chức ĐGTS.
“Ngoài ra, một số tiêu chí như chứng chỉ hành nghề luật sư, số lượng chi nhánh là những tiêu chí quá cao, không phù hợp, dẫn đến không đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các tổ chức ĐGTS” - lãnh đạo doanh nghiệp này nhấn mạnh.
Tại buổi tập huấn gần đây của Sở Tư pháp Hà Nội về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động ĐGTS, ông Lê Văn Tuấn - Trưởng Phòng Quản lý ĐGTS, trọng tài, hòa giải thương mại thuộc Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết, Bộ Tư pháp thời gian qua đã có nhiều văn bản gửi các sở tư pháp địa phương để hướng dẫn, phổ biến pháp luật cho người có tài sản và các đối tượng áp dụng Luật ĐGTS về nội dung liên quan đến lựa chọn tổ chức ĐGTS. Theo đó, Bộ Tư pháp đề nghị, người có tài sản nên lựa chọn tổ chức ĐGTS dựa trên các tiêu chí quan trọng như năng lực, kinh nghiệm, phương án đấu giá khả thi, hiệu quả…, tránh những tiêu chí gây khó, không cần thiết làm hạn chế sự tham gia của tổ chức ĐGTS.