Việc lồng ghép các yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm cấp quốc gia và cấp địa phương phải đảm bảo hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Ảnh: Nhã Chi |
Việc xây dựng Dự thảo nhằm thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao tại Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQTW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.
Dự thảo đưa ra các nguyên tắc, phương pháp lồng ghép yếu tố dân số trong quy trình xây dựng kế hoạch. Trong đó, việc lồng ghép các yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm cấp quốc gia và cấp địa phương phải đảm bảo hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, phải đảm bảo các yếu tố dân số là trung tâm, tham gia trong tất cả các bước của Quy trình lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Lồng ghép các yếu tố dân số vào xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội theo phương pháp tiếp cận này không quy định phải lập một Bản kế hoạch khác hay áp dụng quy trình lập kế hoạch khác, mà chỉ bổ sung, làm sâu sắc hơn, rõ nét hơn yếu tố dân số (con người) trong phát triển.
Theo Dự thảo, để lồng ghép các yếu tố dân số cần xác định cụ thể các biến dân số hay các chỉ số lồng ghép trong các ngành, lĩnh vực khác nhau. Do mỗi ngành, mỗi địa phương có tính chất khác nhau, nên sẽ không có một công thức chung hay bộ chỉ số thống nhất mà mỗi ngành, mỗi địa phương sẽ chủ động xác định các chỉ số phù hợp, có đặc thù riêng. Tuy nhiên tiêu chuẩn chung về hệ thống chỉ số là phải đảm bảo các yêu cầu nhất định nêu tại Dự thảo như: phù hợp, toàn diện, cụ thể và đo lường được, khách quan, chính xác, có mốc thời gian cụ thể…