Lăng kính đấu thầu ngày 7/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khảo sát tại các gói thầu mua sắm trong lĩnh vực giáo dục cho thấy, vẫn tồn tại những hồ sơ mời thầu đưa ra hàng loạt tiêu chí “đánh đố” nhà thầu. Bên cạnh đó, nhiều gói thầu đang được mời thầu chậm so với kế hoạch đã được phê duyệt.

Tiêu chí “đánh đố” nhà thầu?

Phòng Giáo dục và Đào tạo Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn đang trong thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu Gói thầu Thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi ngoài trời cho các trường đạt chuẩn trên địa bàn huyện thuộc kế hoạch mua sắm cùng tên. Theo phản ánh của một nhà thầu, Gói thầu có dự toán 1,6 tỷ đồng, phạm vi mua sắm hàng hóa thông dụng (trong đó, bàn, ghế phòng học, phòng chức năng chiếm phần lớn giá trị Gói thầu; một số thiết bị nhỏ lẻ gồm loa, tivi, tủ sách, giá để đồ ...), song hồ sơ mời thầu (HSMT) đưa ra hàng loạt tiêu chí bất cập, tạo rào cản với nhiều nhà thầu.

Theo đó, để chứng minh về tính hợp lệ của hàng hoá, HSMT yêu cầu nhà thầu cung cấp giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất đối với sản phẩm bàn, ghế gỗ; cung cấp giấy tờ, văn bản chứng minh nguồn gốc gỗ với mặt hàng ghế phòng họp. Bên cạnh đó, yêu cầu nhà thầu cung cấp giấy chứng nhận 4 tiêu chuẩn Việt Nam gồm: Chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn; Chứng nhận sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia; Chứng nhận thương hiệu tiêu biểu Châu Á - Thái Bình Dương; phiếu kết quả thử nghiệm lớp sơn trên nền thép đối với các mặt hàng giá thư viện; giá thép đa năng; ghế gấp; bàn, ghế làm việc...

Ngoài ra, Nhà thầu cũng phản ánh việc HSMT nêu đích danh nhãn hiệu Hòa Phát đối với một số thiết bị mà không kèm cụm từ “hoặc tương đương”, là không đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu.

Phản hồi kiến nghị của Nhà thầu, Chủ đầu tư cho biết, các tiêu chí được quy định tại HSMT nhằm mục đích đảm bảo chất lượng hàng hóa, tranh rủi ro về hàng giả, hàng kém chất lượng. Đồng thời, khẳng định HSMT không vi phạm quy định pháp luật đấu thầu, cũng như không gây ra các hạn chế cạnh tranh.

Được biết, Gói thầu vừa hoàn thành mở thầu ngày 5/10/2021, với sự tham dự của Công ty TNHH Nhật Linh Đà Nẵng (giá dự thầu 1,504 tỷ đồng) và Doanh nghiệp tư nhân Nội thất Sen Tuấn (giá dự thầu 1,608 tỷ đồng). Đơn vị tư vấn lập HSMT, đánh giá hồ sơ dự thầu là Công ty CP Xây dựng và Lắp đặt công trình Bắc Kạn.

“Lỡ” kế hoạch lựa chọn nhà thầu

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa xã hội TP. Hà Nội đang trong thời gian chọn nhà thầu thực hiện gói thầu xây lắp lớn nhất thuộc Dự án Cung thiếu nhi Hà Nội. Theo đó, Gói thầu số 19 Thi công xây dựng, cung cấp, lắp đặt thiết bị nhà B có dự toán 507,885 tỷ đồng, trên tổng mức đầu tư của Dự án là 1.376,465 tỷ đồng, dự kiến được đóng/mở thầu ngày 11/10/2021. Theo Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt từ tháng 3/2020, 2 gói thầu xây lắp chính thuộc Dự án phải hoàn tất chọn nhà thầu trong quý I/2021. Đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có Gói thầu số 18 Thi công xây dựng, cung cấp, lắp đặt thiết bị nhà A (dự toán 457,079 tỷ đồng) được mở thầu vào ngày 4/10 vừa qua.

Theo Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt tháng 11/2020, Gói thầu Xây lắp toàn bộ công trình (dự toán 44,103 tỷ đồng) thuộc Dự án Kho lưu trữ chuyên dụng TP. Cần Thơ dự kiến hoàn tất mời thầu trong quý II/2021. Tuy nhiên, ngày 4/10/2021, Gói thầu mới được phát hành HSMT. Gói thầu dự kiến được mở thầu ngày 18/10/2021, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu.

Chuyên đề