Lận đận Dự án Cảng container Cái Mép Hạ 10.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Là dự án có tầm quan trọng liên quan đến bảo đảm quốc phòng an ninh và thúc đẩy phát triển kinh tế biển nhưng Cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ sau gần 10 năm vẫn không thể triển khai.
Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương chỉ định nhà đầu tư khai thác Cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ. Ảnh: Song Lê
Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương chỉ định nhà đầu tư khai thác Cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ. Ảnh: Song Lê

Trong một động thái mới nhất, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc chấm dứt hoạt động của Dự án và xem xét chấp thuận chủ trương chỉ định nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm đầu tư khai thác Cảng.

Dự án Cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ có vị trí quan trọng trong hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải. Dự án có quy mô 86,6 ha tại thị xã Phú Mỹ, là cảng biển nước sâu có chiều dài cầu cảng khoảng 1.200 m, khả năng đón tàu trọng tải lên đến 200.000 tấn. Tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu lên tới 10.235 tỷ đồng và chia làm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành từ 2010 - 2013 nhằm khai thác 600 bến và giai đoạn 2 để khai thác toàn bộ công trình sẽ được hoàn thành từ 2013 - 2015.

Dự án được giao cho Công ty CP Đóng tàu và Dịch vụ dầu khí Vũng Tàu (VTSC) làm chủ đầu tư sau khi được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chấp thuận chủ trương đầu tư tại Văn bản số 381/UBND-VP ngày 20/1/2006 và cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 20/9/2010. Tuy vậy, sau nhiều năm chậm triển khai và chưa thực hiện theo tiến độ cam kết, Dự án bị chính quyền địa phương ra quyết định thu hồi.

Đầu tháng 12/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có Kết luận thanh tra số 5115/KL-STNMT về việc quản lý, sử dụng đất đối với Dự án. Theo đó, VTSC chưa đưa đất vào sử dụng sau 5 năm kể từ ngày bàn giao đất tại thực địa là vi phạm Điều 64 Luật Đất đai năm 2013, đồng thời Công ty cũng không thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính đối với Dự án.

VTSC trước đây là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được thành lập vào năm 1995. Đến năm 2007, Công ty được thực hiện cổ phần hóa. Hiện Công ty có vốn điều lệ 110 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước thông qua Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang nắm giữ 48,6% vốn điều lệ. Một cổ đông lớn khác của VTSC là Công ty TNHH MTV Một Trăm nắm giữ 33,6%. Chức vụ Chủ tịch HĐQT hiện do bà Trương Ngô Sen, đại diện cho Công ty Một Trăm nắm giữ.

Dù đã được cổ phần hóa từ lâu nhưng hiện tại VTSC vẫn chưa đưa cổ phiếu Công ty lên giao dịch trên sàn UPCoM theo quy định. Bên cạnh đó, hoạt động của Công ty kém minh bạch khi không công khai các báo cáo tài chính hàng năm. Theo biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên 2020, VTSC cho biết, tổng doanh thu năm 2019 đạt 46,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1,4 tỷ đồng.

Tới ngày 13/10/2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 49/QĐ-SKHĐT về việc chấm dứt hoạt động của Dự án và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu của Dự án.

Không đồng tình với quyết định nêu trên, VTSC đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ để khiếu nại về Quyết định số 49/QĐ-SKHĐT của Sở Kế hoạch và Đầu tư. VTSC cho rằng việc chậm triển khai là do Tập đoàn Dầu khí Petro Việt Nam đề xuất với Chính phủ xin lô đất Dự án làm bến cảng nhập khẩu khí tự nhiên LNG vào năm 2010 nên phải chờ quyết định của Thủ tướng. Còn về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Dự án, kết luận của Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường vào tháng 1/2017 đã xác định việc nộp tiền là không có gì trái luật và Dự án thuộc diện được gia hạn.

Sau đó, Chính phủ đã có một số văn bản chỉ đạo liên quan đến Dự án. Trong một động thái mới nhất, vào cuối tháng 7/2020, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấm dứt hoạt động của Dự án và xem xét chấp thuận chủ trương chỉ định giao cho nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm khai thác Cảng nhằm sớm đưa Dự án vào hoạt động.

Chuyên đề