Cụ thể, hiện lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng. Trong khi đó, các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng dao động từ 3,7 - 4,1%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng từ 4 - 6,4%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,0 - 7,1%/năm.
Với mặt bằng huy động như trên, lãi suất cho vay cũng dao động cùng chiều. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ở mức 5,0%/năm. Tuy nhiên đối với trung và dài hạn, lãi suất cho vay vẫn còn tương đối cao, dao động từ khoảng 7 - 10%/năm.
Với USD, lãi suất huy động đang được Ngân hàng Nhà nước khống chế ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức. Sở dĩ lãi gửi USD bằng 0% xuất phát từ chủ trương chống đô la hóa, hạn chế huy động, cho vay ngoại tệ để chuyển dần sang quan hệ mua bán. Đối với lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3,0 - 6,0%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 3,0 - 4,5%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,2 - 6,0%/năm.
Hiện một số ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ đang áp dụng mức lãi suất huy động hấp dẫn hơn ngân hàng lớn. Đơn cử, NCB đang duy trì lãi suất bình quân tại các kỳ hạn cao nhất trong hệ thống với kỳ hạn 1 - 3 tháng là 4,15%/năm, trong khi 6 - 9 tháng là 7 - 7,3%, với tiền gửi trên 12 tháng lãi suất từ 7,3 - 7,7%/năm. Nhóm ngân hàng có vốn nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) có mức lãi suất thấp nhất hệ thống. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng trở lên là 6%, kỳ hạn 6 - 9 tháng là 4,4 - 4,5% và 3 - 5 tháng là 3,5 - 3,8%/năm và không kỳ hạn là 0,1%/năm.
Xu hướng sắp tới, theo dự báo, lãi suất sẽ tiếp tục giảm. Nguyên nhân chính, do cuối tuần Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tuyên bố sẽ duy trì mức lãi suất thấp quanh 0% đến năm 2023 nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch Covid-19. Động thái này của FED chắc chắn sẽ tác động mạnh tới chính sách tiền tệ của tất cả các quốc gia, ngân hàng T.Ư các nước cũng sẽ phải điều chỉnh mặt bằng lãi suất chung theo hướng giảm xuống.