Lãi suất cao, lạm phát thấp có đáng lo?

(BĐT) - Lãi suất huy động của một số ngân hàng đang có mức cách biệt khá lớn so với lạm phát của năm 2018. Điều này gây hoài nghi về khả năng thanh khoản của các ngân hàng này và cần sự giám sát cẩn trọng. Trong khi đó, nhiều ngân hàng vẫn duy trì lãi suất huy động ổn định ở mức vừa phải.
Các ngân hàng lớn với nợ xấu thấp thì không đáng quan ngại, vấn đề đáng quan tâm là các ngân hàng nhỏ, có thanh khoản không tốt. Ảnh: Minh Dũng
Các ngân hàng lớn với nợ xấu thấp thì không đáng quan ngại, vấn đề đáng quan tâm là các ngân hàng nhỏ, có thanh khoản không tốt. Ảnh: Minh Dũng

Lãi suất không đồng đều giữa các ngân hàng

Khảo sát biểu lãi suất niêm yết của các ngân hàng hiện nay cho thấy, một số ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ có mức lãi suất huy động cao từ 7,5% - 8,7%/năm. Trong khi đó, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần lớn, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, có mức lãi suất huy động khoảng 6,8%/năm. Thực tế, đây là mức lãi suất không quá cao so với những năm trước. So sánh với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2018 ở mức 3,54%, chênh lệch giữa lãi suất huy động và lạm phát là tương đối lớn nên có lợi cho người gửi tiền.

Ở khía cạnh khác, mức lãi suất huy động tiếp tục được đẩy lên cao trong quý cuối năm nay cũng gây hoài nghi về tính thanh khoản của các ngân hàng. Bình luận về hiện tượng này, TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam nói: “Dường như hoạt động ngân hàng hiện có điều gì đó khó hiểu khi mà lạm phát chưa đến 4% mà lãi suất huy động của một số ngân hàng lại cao như vậy”.

Phân tích về hiện tượng này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, có 2 yếu tố có thể đẩy lãi suất huy động cao hơn hẳn so với lạm phát, đó là lạm phát kỳ vọng và thanh khoản của ngân hàng. Trong đó, lạm phát kỳ vọng là một yếu tố rất quan trọng, theo đó, lạm phát thực tế năm 2018 chỉ đạt 3,54% song lạm phát kỳ vọng năm 2019 có thể hơn 4%. Khi đó, lãi suất thực dương - chênh lệch giữa lãi suất huy động và lạm phát kỳ vọng - là không quá lớn.

Về thanh khoản ngân hàng, theo vị chuyên gia này, một số ngân hàng có thể đang cần nguồn vốn để “nuôi” nợ xấu. Tức là, các khoản cho vay đã đến hạn tất toán nhưng khách vay chưa trả thì ngân hàng có thể ở vào trạng thái thiếu hụt tiền, buộc phải tăng lãi suất huy động để hút tiền. 

Cần giám sát thanh khoản

Xét chênh lệch lãi suất huy động giữa các ngân hàng trong mối tương quan với tính thanh khoản có thể thấy, đang có sự không đồng đều về khả năng thanh khoản và thực trạng hoạt động tốt - xấu giữa các ngân hàng.

Theo ông Huỳnh Thế Du, việc các ngân hàng đẩy lãi suất huy động tăng cao từ 5 - 6%/năm vào giữa năm 2018, sau đó tăng lên 6 - 7%/năm vào quý III/2018 và đến nay đã có ngân hàng huy động ở mức 8,7%/năm là dấu hiệu của căng thẳng thanh khoản. Điều này có thể đến từ sự mất cân đối bắt nguồn từ nợ xấu hay sử dụng vốn không hiệu quả.

“Một số ngân hàng quy mô vốn lớn, hoạt động tốt thì có thể vẫn ổn. Vấn đề đáng quan tâm là các ngân hàng nhỏ, có thanh khoản không tốt. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của cả hệ thống nên cần chú trọng giám sát họ”, ông Du nói.

Cùng quan điểm về điều này, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, những ngân hàng có nợ xấu thấp thì không đáng quan ngại. Đặc biệt, các ngân hàng lớn với nợ xấu thấp lại càng yên tâm, họ không chỉ có nguồn vốn dồi dào mà còn có lượng khách hàng trung thành. Ngược lại, những ngân hàng nhỏ, thanh khoản căng thẳng, càng phải duy trì lãi suất huy động cao và tham gia cuộc đua lãi suất, bởi một khi lãi suất huy động của họ thấp hơn các ngân hàng khác có thể dẫn đến tình trạng người gửi tiền rút tiền để chuyển sang ngân hàng có lãi suất cao hơn.

Chuyên đề