Lãi suất 2022 tăng nhẹ, chứng khoán vẫn là kênh hút tiền, VN-Index có thể đạt đỉnh 1.730 điểm

0:00 / 0:00
0:00
Việc thắt chặt dần chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương toàn cầu sẽ không làm gián đoạn sự phục hồi kinh tế của Việt Nam. Lãi suất tiền gửi có thể tăng nhẹ vào năm 2022 nhưng thị trường chứng khoán vẫn là kênh được ưa chuộng để thu hút các nhà đầu tư F0...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chứng khoán Rồng Việt - VDSC vừa có báo cáo chiến lược về thị trường chứng khoán năm 2022 trong đó nhận định rằng thị trường Việt Nam vẫn hấp dẫn đầu tư trong nước và so sánh cả với các thị trường khác trên thế giới.

Đánh giá về tổng quan thế giới năm 2022, theo VDSC, dự kiến bất ổn sẽ tiếp tục gia tăng và sự chuyển dịch từ tài sản rủi ro sang tài sản an toàn sẽ tiếp diễn. Đối với các nhà đầu tư việc lựa chọn cổ phiếu sẽ quan trọng hơn triển vọng đầu tư đến từ kinh tế vĩ mô.

TĂNG TƯỞNG TOÀN CẦU ĐẠT ĐỈNH VÀO NĂM 2022, CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM HẤP DẪN ĐỂ ĐẦU TƯ

Risk-off (tâm lý cảm nhận rủi ro ở mức cao) khi thị trường bước vào Quý 2/2022. Điều chỉnh là điều không thể tránh khỏi đối với chứng khoán toàn cầu (chủ yếu là Mỹ) vào khoảng 10-20%. Tại thị trường châu Á, VDSC ưa thích Việt Nam, Malaysia và Hồng Kông, do đó khuyến nghị mua cổ phiếu Việt Nam và bán cổ phiếu Mỹ. Thị trường Việt Nam vẫn lạc quan nhưng việc tổng hợp cơ hội đầu tư là cần thiết trước khi tiến hành bước tiếp theo.

Sự thịnh vượng toàn cầu đã tăng gấp ba lần trong hai thập kỷ qua. Đây là tin tốt. Mỹ đang tụt lại so với Trung Quốc. Giá trị tài sản ròng toàn cầu đã tăng lên 514 nghìn tỷ USD vào năm 2020 từ 156 nghìn tỷ USD năm 2000. Trong đó, Trung Quốc chiếm gần một phần ba mức tăng.

Tuy nhiên, VDSC dự báo tăng trưởng đạt đỉnh trong năm 2022, trong khi lạm phát vẫn duy trì ở mức cao, buộc các ngân hàng trung ương phải rút bớt thanh khoản. "Việt Nam sẽ tiếp tục mang đến những cơ hội đầu tư hấp dẫn nhưng hãy lựa chọn những cổ phiếu phù hợp", VDSC nhấn mạnh.

Để làm rõ hơn về quan điểm của mình, VDSC cho rằng, sự kết hợp giữa tiến độ tiêm chủng, lĩnh vực sản xuất phục hồi, chi tiêu tiêu dùng tăng trở lại và chính sách tiếp tục hỗ trợ có thể giúp nền kinh tế tăng trưởng khoảng 6,8% vào năm 2022, cao hơn mục tiêu của Chính phủ là 6,0-6,5%.

Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng của Việt Nam đã dần giảm bớt sau khi Chính phủ thay đổi tư duy về đối phó với đại dịch theo Nghị quyết 128, tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng trở lại của các hoạt động sản xuất. Ngoài ra, nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục phục hồi vào năm 2022, nhu cầu thế giới tích cực sẽ giúp cho tăng trưởng xuất khẩu cao được duy trì trong năm 2022.

Về cơ bản, Chính phủ đã đạt được sự đồng thuận về gói hỗ trợ tiếp theo để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mặc dù đề xuất ban đầu về quy mô gói kích thích trị giá 840 nghìn tỷ đồng (~10,4% GDP) trong giai đoạn 2022-2023. Gói kích thích nhỏ hơn khoảng 3-4% GDP sẽ khả thi hơn.

VDSC cũng kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục được kiểm soát, với chỉ số CPI trung bình là 3,8% vào năm 2022. Thực phẩm và xây dựng/nhà ở sẽ là yếu tố chính góp phần vào lạm phát của Việt Nam năm 2022. Do đó cần theo dõi hai biến số này chặt chẽ hơn.

Theo kịch bản cơ sở, áp lực lạm phát sẽ không dẫn đến tăng lãi suất cao hơn, ít nhất là vào năm 2022. Tuy nhiên, nền kinh tế phục hồi có thể khiến lãi suất liên ngân hàng và lãi suất huy động cao hơn vào năm 2022, nhưng vẫn thấp hơn mức trước đại dịch.

Người gửi tiền đã rút tiền tiết kiệm để đổ vào các kênh đầu tư hấp dẫn hơn trong bối cảnh lãi suất huy động đang giảm gây lo ngại về bong bóng giá tài sản. Các điều kiện “tương tự” bong bóng có thể nhìn thấy trên một số loại tài sản, bao gồm cổ phiếu, tiền điện tử và bất động sản. Dù vậy, các điều kiện để xảy ra bong bóng là chưa rõ ràng, do đó, công ty chứng khoán này vẫn lạc quan về triển vọng đầu tư các tài sản rủi ro như cổ phiếu nhưng kỳ vọng sự biến động của thị trường sẽ gia tăng.

Với mối lo lạm phát toàn cầu, theo VDSC, việc thắt chặt dần chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương toàn cầu sẽ không làm gián đoạn sự phục hồi kinh tế của Việt Nam. Cụ thể, kỳ vọng Việt Nam sẽ duy trì vị thế ổn định nhờ sự cải thiện trong dự trữ ngoại tệ, cán cân thương mại và tài khoản vãng lai vào năm 2022.

Mặt khác, dòng vốn FDI và kiều hối cũng cho thấy khả năng phục hồi tốt hơn so với các nước khác trong khu vực. Ngoài ra, kinh nghiệm của năm 2014-2015 cho thấy việc Fed dần dần rút đi gói nới lỏng định lượng, miễn là có truyền thông trước đường hướng, sẽ có ít tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Mức độ điều chỉnh của thị trường (nếu có) sẽ phụ thuộc một phần vào việc liệu lạm phát có tiếp tục tăng cao buộc Fed phải tăng lãi suất liên tục hay không.

VN-INDEX ĐẠT ĐỈNH 1.730 ĐIỂM VÀO NĂM 2022

VN-Index được dự báo dao động trong khoảng 1340 – 1730 điểm, dựa trên kịch bản tăng trưởng EPS 17% năm 2022 và mức PE dự phóng 2022 là 16,4 lần.

Lãi suất tiền gửi có thể tăng nhẹ vào năm 2022 nhưng thị trường chứng khoán vẫn là kênh được ưa chuộng để thu hút các nhà đầu tư F0. Lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ so với 2021 nhưng vẫn thấp so với năm 2015 - 2019. Hơn nữa, giá trị giao dịch trên mỗi tài khoản của các nhà đầu tư cá nhân đang tăng mạnh theo thời gian. Do đó, hy vọng thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư mới, phù hợp với mục tiêu của Chính phủ để đạt được 5% dân số có tài khoản chứng khoán vào năm 2025.

Năm 2022, với ước tính bình quân mỗi tháng sẽ có thêm khoảng 150.000 tài khoản mở mới. Thanh khoản khớp lệnh bình quân toàn thị trường có thể dao động ở mức 30-35.000 tỷ đồng/phiên (+36% YoY).

Các công ty chứng khoán đang tăng cường huy động vốn để tăng nguồn cho vay margin. Nếu điều đó xảy ra, sẽ có thêm nguồn tiền mới chảy vào thị trường. Dư nợ cho vay ký quỹ đạt 144.400 tỷ đồng (x2 so với 2020), là mức cao nhất từ trước tới nay. Đồng nghĩa với việc tăng trưởng nguồn cầu cho vay ký quỹ ngày càng tăng, phù hợp với sự gia tăng của các nhà đầu tư F0 và thanh khoản. SSI, Mirae Asset, VND là các công ty chứng có kế hoạch tăng vốn mạnh. Với kế hoạch tăng vốn của các công ty chứng khoán, chúng tôi kỳ vọng dư nợ cho vay ký quỹ sẽ tăng trong năm tới, đây sẽ là yếu tố hỗ trợ thúc đẩy thị trường tiến xa hơn.

Dù vậy thì theo VDSC, thị trường có thể sẽ “nhạy cảm” hơn và biến động mạnh trước thông tin tiêu cực, đặc biệt khi mà định giá cổ phiếu đã lên mặt bằng cao hơn rất nhiều so với giai đoạn trước khi xuất hiện Covid-19 lần đầu tiên (tháng 3/2020).

Những thông tin có thể xem là tiêu cực bao gồm (1) Lạm phát. Mặc dù chúng tôi dự báo lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát thì rủi ro về lạm phát vẫn là yếu tố cần theo dõi; (2) Xác suất lây nhiễm đối với các chủng virus kháng vắc-xin sẽ góp phần gia tăng tính bất định của quá trình phục hồi kinh tế; (3) Các biến động về địa chính trị toàn cầu, xu hướng thu hẹp chính sách nới lỏng tiền tệ gây ra biến động tiêu cực trên thị trường chứng khoán quốc tế.

Chuyên đề