Lạc quan lợi nhuận đưa S&P 500 tăng 4 phiên liên tiếp, Bitcoin gần kỷ lục, giá dầu giảm

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (18/10), khi nhà đầu tư đặt cược rằng các công ty lớn sẽ tiếp tục đưa ra những báo cáo lợi nhuận quý 3 khả quan...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Giá Bitcoin giữ đà tăng, trong khi giá dầu thô lùi bước sau khi lập đỉnh do số liệu về sản xuất công nghiệp Mỹ không đạt kỳ vọng.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,3%, đạt 4.486,46 điểm. Chỉ số Dow Jones giảm 0,1%, còn 35.258,61 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,8%, đạt 15.021,81 điểm.

Tuần này, hai trong số những báo cáo tài chính được Phố Wall mong đợi nhất là báo cáo từ hãng xe điện Tesla và nhà cung cấp dịch vụ streaming Netflix. Ngoài ra, một loạt cái tên lớn khác như Johnson & Johnson, United Airlines, Procter & Gamble, Verizon, IBM… cũng sẽ đưa ra kết quả kinh doanh và lợi nhuận quý vừa rồi.

Loạt báo cáo khả quan công bố vào tuần trước, mở màn cho mùa báo cáo này, trong đó có kết quả từ các ngân hàng lớn, đã đưa các chỉ số chứng khoán Mỹ lên gần đỉnh cao mọi thời đại. Dow Jones hiện chỉ thấp hơn chưa tới 1% so với mức kỷ lục. S&P 500 và Nasdaq cách tương ứng 1,3% và 2,5% từ kỷ lục.

Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư cũng không hoàn toàn thoải mái trong phiên đầu tuần. Trước đó, Trung Quốc công bố tăng trưởng kinh tế quý 3 cho thấy nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới chỉ tăng 4,9% so với cùng năm ngoái, không đạt dự báo tăng 5,2% mà các nhà phân tích kỳ vọng. Sản lượng công nghiệp tháng 9 của Trung Quốc cũng tăng ít hơn dự báo.

Tiếp đó, số liệu từ Mỹ cho thấy sản lượng công nghiệp của nước này giảm trong tháng 9 cho các nút thắt chuỗi cung ứng tiếp tục gây trở ngại sản xuất. Sản lượng công nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm khoảng 1,3%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc đạt gần 1,63% trong phiên này, vùng cao nhất trong vòng 1 năm trở lại đây. Lợi suất tăng gây sức ép giảm lớn lên cổ phiếu công nghệ.

Nhân tố quan trọng nhất nâng đỡ chứng khoán Mỹ ở thời điểm này là lợi nhuận của các công ty niêm yết. Nhờ các báo cáo khả quan, Dow Jones đã tăng gần 1,6% trong tuần trước, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 6. S&P 500 tăng hơn 1,8%, mạnh nhất kể từ tháng 7. Nasdaq tăng xấp xỉ 2,2%, mạnh nhất từ tháng 8.

Ngược lại, thị trường cũng đương đầu áp lực giảm từ những vấn đề như nút thắt chuỗi cung ứng và lạm phát.

Đến thời điểm hiện tại, đã có 41 công ty trong S&P 500 công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 3. Trong đó, 80% đạt lợi nhuận vượt dự báo, theo FactSet. Theo dự báo của FactSet, lợi nhuận quý 3 của doanh nghiệp trong chỉ số này tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2022 có thể được tiếp tục nâng đỡ bởi tác dụng trễ của chính sách tiền tệ, sự mở cửa trở lại của nền kinh tế và quá trình tăng lượng hàng tồn kho”, Chủ tịch Ed Hyman của Evercore ISI nhận định trong một báo cáo. “Các vấn đề về chuỗi cung ứng có thể dịu đi, nhu cầu chưa được đáp ứng trong năm nay có thể được đáp ứng trong năm tới, tiền lương sẽ tăng, giúp người tiêu dùng có thể chi tiêu nhiều hơn”.

Giá tiền ảo Bitcoin vẫn đang giữ đà tăng và nhích gần hơn về mốc kỷ lục trên 64.000 USD thiết lập hồi tháng 4. Sáng nay (19/10) theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở 62.254 USD, tăng hơn 0,9% so với cách đó 24 tiếng.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,62 USD/thùng, tương đương giảm 0,7%, còn 82,26 USD/thùng khi đóng cửa. Trong phiên, có lúc giá dầu Brent đạt 86,04 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 10/2014.

Giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York chốt phiên với mức tăng 0,12 USD/thùng, tương đương tăng 0,1%, đạt 82,4 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu WTI đạt 83,87 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 10/2014.

Báo cáo về hoạt động sản xuất công nghiệp ở Mỹ đã khiến nhà đầu tư giảm bớt lạc quan về nhu cầu tiêu thụ dầu.

“Thị trường dầu khởi động phiên giao dịch này với sự hào hứng lớn, nhưng dữ liệu yếu về sản xuất công nghiệp của Mỹ đã làm cho không ít người mất niềm tin về nhu cầu. Số liệu về kinh tế Trung Quốc khiến mối lo đó càng lớn hơn”, nhà phân tích cấp cao Phil Flynn thuộc Price Futures Group nhận xét.

Theo nhà phân tích cấp cao Edward Moya thuộc Oanda, mùa đông ở bán cầu Bắc có thể làm gia tăng tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu. “Sự thâm hụt nguồn cung dầu sẽ gia tăng, vì thời tiết ở phía Bắc đã bắt đầu lạnh hơn”, ông Flynn nói. “Tình trạng thiếu than, thiếu điện, thiếu khí đốt sẽ dẫn tới nhu cầu lớn hơn đối với dầu thô. Có vẻ nhu sản lượng dầu của OPEC+ hay Mỹ có tăng thêm cũng không bù đắp được”.

Chuyên đề