Năm 2021 là thời điểm thuận lợi để Việt Nam có bước nhảy mới vượt lên khó khăn, vươn mạnh ra thế giới. Ảnh: Vũ Long |
“Không được phép lãng phí các cuộc khủng hoảng”
TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Theo kinh nghiệm của tôi, giai đoạn khó khăn bao giờ cũng là cơ hội tốt nhất cho “người khôn”. Covid-19 có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế Việt Nam hàng ngàn tỷ đồng và để lại di chứng 2 - 3 năm sau, nhưng đây cũng chính là thời điểm con người đoàn kết lại với nhau, cũng là lúc đòi hỏi xét lại toàn bộ cấu trúc phát triển và hệ giá trị. Khủng hoảng là sự phá hủy có tính sáng tạo, tức cái cũ sẽ bị bỏ đi và tạo ra cái mới, mà cái mới thì luôn đi liền với tính sáng tạo.
Chuyển đổi số tại Việt Nam đang tạo ra bàn đạp mới cho sự phát triển. Việt Nam không được phép lãng phí các cuộc khủng hoảng. DN Việt Nam cần phải tận dụng cơ hội để đổi mới, sáng tạo, phát triển. Một thế giới mới và khác luôn cần sự tư duy và cách tiếp cận khác. Tức từ logic tuyến tính, tuần tự nên chuyển sang tư duy logic phi tuyến tính, nhảy vọt, sáng tạo. Đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo phát triển bền vững.
Năm 2021 chính là thời điểm thuận lợi để Việt Nam có bước nhảy mới vượt lên khó khăn, vươn mạnh ra thế giới. Tức phải có chiến lược mới, chính sách mới, tập trung thay đổi thể chế, cấu trúc lại để phát triển.
Bài học của năm 2020 Việt Nam đứng vững được trước đại dịch Covid-19 một phần là nhờ coi trọng kinh tế tư nhân, ổn định được lạm phát, chính sách tiền tệ được kiểm soát tốt. Đối với cộng đồng DN, theo tôi cần có một chiến lược phát triển, tập trung hỗ trợ, vì đây là trụ cột của kinh tế nước nhà. DN tư nhân là nền tảng, nhưng nền tảng ấy phải được xây dựng trên cơ sở của sự sáng tạo, của công nghệ cao.
“Có thể lạc quan về nền kinh tế trong năm 2021”
Luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco
Ở các góc độ vĩ mô và vi mô, có thể lạc quan về nền kinh tế trong năm 2021. Lạc quan là sẽ giảm bớt khó khăn so với năm 2020, thị trường có thể ổn định hơn để phát triển, sau giai đoạn đối phó thì nền kinh tế đã thích nghi và tìm ra các giải pháp khắc chế khó khăn để phát triển. Chính phủ đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc điều hành các hoạt động của nền kinh tế giữa bối cảnh dịch bệnh, và DN cũng chủ động hơn trong việc điều tiết tình hình kinh doanh, quản trị nội bộ.
Nhờ những thành tựu phi thường trong công tác chống dịch mà cả thế giới đang đổ dồn về Việt Nam. Không chỉ là ghi nhận và ngưỡng mộ, mà còn là sự điều hướng những dòng vốn đầu tư và những kế hoạch kinh doanh mới. Do đó, dòng vốn đầu tư chảy về Việt Nam sẽ nhiều hơn trong năm 2021, nhiều nhà máy, xí nghiệp mới mọc lên nên lượng công ăn việc làm cũng vì thế mà dồi dào hơn. Mặc dù vẫn còn những khó khăn, nhưng nền kinh tế Việt Nam năm 2021 chắc chắn sẽ khởi sắc.
“Tăng trưởng kinh tế năm 2021 lạc quan nhưng phải thận trọng với nhiều yếu tố rủi ro và bất định”
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh
Phần lớn các đánh giá, dự báo kinh tế thế giới năm 2021 hiện nay đều có cái nhìn tích cực hơn thời gian trước rất nhiều. Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh, năm 2021 mặc dù lạc quan nhưng phải cực kỳ thận trọng. Nhiều tổ chức trong và ngoài nước đánh giá tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 ở mức 6 - 7%, thậm chí có thể tới 8%. Nhưng việc tăng trưởng, theo tôi, không nên đặt nặng ở con số, mà đằng sau mức tăng trưởng này thì chất lượng tăng trưởng sẽ như thế nào, cải cách sẽ ra sao, sự phát triển của kinh tế sẽ theo các xu thế mới nào, cách tiêu dùng xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo như thế nào… Mục tiêu tăng trưởng trong thay đổi, tăng trưởng trong cải cách, tăng trưởng để thích ứng với xu thế mới, tăng trưởng gắn với quản trị rủi ro và bất định là những vấn đề đặt ra cho Việt Nam.
Đơn cử, trong năm 2021, Việt Nam phải quản trị rủi ro, bất định từ các vấn đề địa chính trị, thiên tai, dịch bệnh và cả tài chính. Lưu ý, phục hồi kinh tế Việt Nam năm 2021 cần chú ý tới các rủi ro đến từ tài chính khi nợ toàn cầu gia tăng mạnh dẫn tới có nhiều thay đổi trong điều hành chính sách vĩ mô của nhiều quốc gia. Trong bối cảnh này, Việt Nam phải có những chính sách điều hành vĩ mô hỗ trợ cho quá trình phục hồi kinh tế nhưng đảm bảo không gia tăng rủi ro tài chính.
“Đầu tư và xuất khẩu là những những điểm sáng trong tăng trưởng”
TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Năm 2020, trước những biến động bất ngờ từ đại dịch Covid-19, mục tiêu tăng trưởng đặt ra từ đầu năm bị đe dọa. Chính phủ đã có những biện pháp rất quyết liệt nhằm đẩy mạnh đầu tư công. Nguồn đầu tư này được coi là một trong những động lực lớn nhất để đạt được mức tăng trưởng hơn 2,9%. Đầu tư công tăng mạnh nhất trong một thập kỷ qua, đạt khoảng 90% kế hoạch. Đây sẽ là nền tảng tốt cho phục hồi kinh tế trong các năm tiếp theo. Hiệu quả của đồng vốn sẽ được cải thiện nếu như tăng trưởng phục hồi trong năm 2021 và các công trình đầu tư năm 2020 phát huy tác dụng. Câu hỏi đặt ra là đầu tư công trong giai đoạn tới ưu tiên những mục tiêu gì, nếu để phục hồi nhanh và đảm bảo ưu tiên việc làm và thu nhập cho người dân có thể cần những công trình thu hút nhiều lao động; nếu để đảm bảo tăng trưởng dài hạn cần những công trình đầu tư quy mô lớn như hạ tầng kết nối các vùng, hạ tầng số… Trong thực tế, Chính phủ sẽ cần cân nhắc lộ trình ưu tiên trong các năm đầu giai đoạn 2021 - 2025.
Đầu tư FDI cũng là một điểm sáng do các nhà đầu tư đánh giá cao về triển vọng kinh tế Việt Nam. Một điểm sáng khác là việc thực thi các hiệp định thương mại tự do quan trọng như CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA. Xuất khẩu sang EU, đặc biệt là nhóm hàng nông, thủy sản có tín hiệu tích cực chứng tỏ hiệu quả của EVFTA với xuất khẩu của Việt Nam. Đây là những tín hiệu tốt cho đà tăng trưởng trong thời gian tới.
“Năm 2021 sẽ có đủ thế, lực, kinh nghiệm để bứt phá”
Bà Nguyễn Thị Khánh Huệ - Giám đốc Công ty TNHH DR Huệ
Tôi tin nền kinh tế Việt Nam nói chung và cộng đồng DN Việt Nam nói riêng có sự tăng trưởng tốt và ổn định trong năm 2021. Hầu hết dự báo của các tổ chức trong nước và quốc tế đều cho rằng, tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 sẽ đạt từ 6% đến 7%. Điều này khiến những người điều hành DN như tôi rất vững tâm.
Chính phủ đang tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nên trong năm mới này chắc chắn sẽ có nhiều tín hiệu khởi sắc.
Để nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng và phát triển bền vững, tôi nghĩ Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp đối với từng loại hình DN, nhất là trong những giai đoạn khó khăn như năm vừa qua. Về phía cộng đồng DN, càng khó khăn càng nên đoàn kết lại với nhau để cùng chia sẻ, hỗ trợ và cùng nhau vượt khó. Tôi nghĩ năm 2020 đã là đỉnh điểm của khó khăn rồi nên năm 2021 sẽ “dễ thở” hơn. Với kinh nghiệm “chống đỡ” của năm 2020, năm 2021 sẽ có đủ thế, lực, kinh nghiệm để bứt phá.
“Hậu Covid-19, ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất có nhiều cơ hội phục hồi mạnh”
Đỗ Hồng Vân - Chuyên viên phân tích cao cấp Khối Dịch vụ thông tin tài chính thuộc FiinGroup
Cùng với sự phục hồi của kinh tế vĩ mô, lợi nhuận của nhiều ngành (ngoại trừ dầu khí, du lịch, hàng không) đã được cải thiện, đặc biệt là từ quý III/2020. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng chưa cải thiện tương ứng. Nhiều DN có lợi nhuận kế toán tăng trưởng tốt nhờ nguồn thu từ hoạt động khác như thu nhập tài chính, đánh giá lại tài sản thay vì đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Những ngành bị ảnh hưởng lớn bởi Covid-19 có thể kể đến dầu khí, hàng không, điện, bán lẻ được kỳ vọng cải thiện đáng kể nếu dịch tan. Trong khi các ngành đã tăng trưởng tốt trong năm 2020 như phân bón, thép... khó duy trì được đà tăng.
Đơn cử như ngành điện, lượng điện tiêu thụ trong năm vừa qua có mức tăng thấp nhất trong vòng 5 - 6 năm trở lại đây, doanh thu giảm khoảng 9,1% trong khi lợi nhuận sau thuế suy giảm mạnh hơn. Bên cạnh đó, yếu tố tiêu cực còn đến từ giá điện trên thị trường điện cạnh tranh ở mức thấp hơn so với các năm trước. Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhu cầu tiêu dùng điện có thể tăng lại 10% trong năm 2021.
Ngành bán lẻ cũng được kỳ vọng phục hồi tốt trong năm nay. Các yếu tố hỗ trợ ngành bán lẻ đến từ thu nhập khả dụng của người dân tiếp tục tăng lên và chu kỳ thay đổi điện thoại khi Việt Nam có kế hoạch tắt sóng 2G.
“Nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản Việt Nam”
Ông Phạm Lâm - Tổng giám đốc DKRA Việt Nam
Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,8% trong năm 2021 - mức tăng trưởng hàng đầu thế giới. Một trong những yếu tố lạc quan nữa là diễn biến kinh tế vĩ mô và công tác kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam rất tốt. Điều này mang đến triển vọng, cơ hội và nhiều tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.
Riêng đối với lĩnh vực bất động sản, các chính sách pháp lý chính thức có hiệu lực trong năm 2021 như Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi), Thông tư 21/2019/TT-BXD, Nghị định 148/2020/NĐ-CP… sẽ giúp thị trường hoạt động minh bạch hơn. Trên nền tảng các tiền đề hiện hữu, tôi cho rằng vẫn cần có thêm những giải pháp kích hoạt lực đẩy thị trường bất động sản năm 2021.
Thứ nhất, về chính sách pháp lý, hệ thống pháp luật liên quan đến bất động sản, nhà ở phải được bổ sung và hoàn thiện hơn nhằm bắt kịp diễn biến và nhu cầu thị trường. Các quy trình pháp lý cần được đơn giản hóa, tạo điều kiện cho DN tháo gỡ những vướng mắc thủ tục, sớm hoàn thiện pháp lý dự án. Từ đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, gia tăng nguồn cung và góp phần ổn định mặt bằng giá trên thị trường.
Thứ hai, DN bất động sản nên đa dạng hóa kênh tiếp cận nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, quỹ đầu tư ngoại… để nâng cao năng lực tài chính, hạn chế phụ thuộc vào kênh huy động vốn từ khách hàng. Đồng thời, DN nên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các mô hình vận hành để cải tiến chất lượng dịch vụ và tối ưu chi phí. Quan trọng hơn hết, các DN cần nghiêm túc tuân thủ quy định của pháp luật, tránh những sai phạm gây bất ổn cho thị trường và xã hội.
“Hứa hẹn bứt phá đối với doanh nghiệp có nền tảng khoa học, công nghệ tốt”
Ths. Lê Đăng Thắng - Giám đốc Công ty VietMani
Đại dịch Covid-19 khiến chính sách nhập cảnh vào các quốc gia trên thế giới thay đổi. Tại Việt Nam, nhiều tập đoàn công nghệ, công ty công nghệ không thể đưa cán bộ kỹ thuật cũng như đội ngũ hỗ trợ sang làm việc tại các nhà máy sản xuất công nghiệp, đây là cơ hội cho DN Việt Nam mở rộng thị trường nội địa.
Đơn cử, Công ty VietMani - DN sản xuất tay máy đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam - có cơ hội tham gia vào các khâu sản xuất tại nhiều nhà máy sau dịch. Vấn đề của DN bên cạnh việc cung ứng các sản phẩm có chất lượng không thua kém các công ty công nghệ nước ngoài, thì còn phải cung ứng đội ngũ kỹ thuật, dịch vụ hỗ trợ tốt nhất tới các xưởng sản xuất.
Năm 2021, theo đánh giá của tôi, sẽ là một năm phục hồi sau giai đoạn khủng hoảng do dịch bệnh. Kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ đi theo một xu thế khác, được phân hóa rõ ràng theo 2 hướng. DN sản xuất theo phương thức truyền thống sẽ có sự chững lại, hoặc đi xuống, nhường chỗ cho DN có nền tảng công nghệ tốt, số hóa. Các DN này được dự báo sẽ có sự phát triển bứt phá, có lợi thế cạnh tranh hơn nhiều so với DN sản xuất theo phương thức truyền thống.
Ngoài ra, sự thay đổi trong xu thế phát triển kinh tế cũng đến từ tư duy đổi mới sáng tạo. Cần phải thay đổi mọi khía cạnh của hoạt động sản xuất kinh doanh như: marketing, bán hàng, hậu mãi, logistics… được cập nhật, số hóa và quản lý trên nền tảng số… Những thao tác nhỏ này sẽ “tích tiểu thành đại”, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.