Kinh tế số đã thay đổi thế giới ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kinh tế kỹ thuật số, hay kinh tế số, với đặc trưng là ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số dựa trên Internet vào sản xuất và thương mại hàng hóa, dịch vụ, đang trở thành một phần quan trọng hơn bao giờ hết của nền kinh tế toàn cầu.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số có thể thúc đẩy khả năng cạnh tranh trên tất cả các lĩnh vực, tạo ra cơ hội mới cho hoạt động kinh doanh và khởi nghiệp, cũng như các “con đường mới” để tiếp cận thị trường nước ngoài và tham gia vào chuỗi giá trị điện tử toàn cầu. Nó cũng cung cấp công cụ mới giúp giải quyết các vấn đề về phát triển và xã hội.

Nền kinh tế số đang hình thành và phá vỡ các quan niệm thông thường về cách các doanh nghiệp được cấu trúc, cách các công ty tương tác và cách người tiêu dùng có được dịch vụ, thông tin và hàng hóa. Việc sử dụng dữ liệu đang chuyển đổi mô hình kinh doanh, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, tiện ích cao hơn, các quy trình mới và mở ra một nền văn hóa quản lý mới.

Trong một số ngành, lĩnh vực, công nghệ kỹ thuật số đã thúc đẩy tính hiệu quả, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tăng thu nhập và thị phần, đồng thời tạo điều kiện cho sự đổi mới liên tục.

Chẳng hạn như trong lĩnh vực bán lẻ và bán buôn, các thiết bị cảm biến, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (Learning Machine) cho phép các doanh nghiệp dễ dàng quản lý xưởng sản xuất, đề ra chiến lược thương mại điện tử, các hoạt động trên mạng lưới cửa hàng thực và ảo…

Bên cạnh đó, mạng truyền thông xã hội đang chuyển đổi lĩnh vực bán lẻ. Lợi ích của việc tương tác trên mạng xã hội giúp các công ty cung cấp thông tin tới người tiêu dùng, nhận phản hồi từ khách hàng, thu hút khách hàng mới và thúc đẩy doanh số bán hàng từ khách hàng hiện tại. Ở chiều ngược lại, người tiêu dùng ngày nay, với sự hỗ trợ của công nghệ kỹ thuật số, được hưởng lợi từ khả năng hiển thị tốt hơn về giá cả theo thời gian thực, sự tiện lợi và cơ hội mua hàng xuyên biên giới…

Khi các lĩnh vực bán lẻ và bán buôn được chuyển đổi bởi công nghệ kỹ thuật số, thì các ngành liên quan, chẳng hạn như logistics cũng có sự chuyển đổi tương tự. Đang có một cuộc chạy đua trong ngành này để loại bỏ sự kém hiệu quả. Các công ty xây dựng nền tảng kỹ thuật số cho phép phân quyền giám sát và kiểm soát. Các dịch vụ thông tin và phân tích dựa trên việc ứng dụng đồng thời phân tích điện toán đám mây, cảm biến và IoT, đã đưa dữ liệu vào vị trí trung tâm của hoạt động logistics. Mục tiêu là phát hiện, dự đoán các vấn đề và tối ưu hóa việc đưa ra quyết định. Các dịch vụ thông tin này cũng giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều ngành công nghiệp phải đối mặt với sự gián đoạn chuỗi cung ứng và logistics. Các công ty đang chuyển đổi khả năng chuỗi cung ứng hiện có bằng nền tảng logistics kỹ thuật số. Theo Logistics News, chuỗi cung ứng kỹ thuật số sử dụng AI và cho phép thanh toán kỹ thuật số là giải pháp để đối phó với các trường hợp khẩn cấp như đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ tự lái đã tạo ra những phương tiện giao hàng mới, cho phép các công ty logistics giao hàng hiệu quả hơn. Theo website công nghệ ZDNet.com, Xwing - một công ty có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) đã tuyên bố trở thành hãng hàng không đầu tiên vận hành chuyến bay tự động hoàn toàn từ lúc cất cánh đến hạ cánh. Dù các chuyến bay tự lái chỉ có thể phục vụ cho những quãng đường dưới 500 dặm nhưng lại có tầm quan trọng thương mại đáng kể. Xwing tin rằng có thể giành được chỗ đứng trong bối cảnh nhu cầu về vận chuyển hàng hóa đang ngày càng tăng.

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cũng đang làm thay đổi khu vực tài chính, giúp tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính theo những cách thức sâu sắc, toàn diện hơn. Nghiên cứu mới đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, công nghệ tài chính (fintech) đã góp phần nâng cao tài chính toàn diện (financial inclusion) và tạo điều kiện phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong và sau khủng hoảng.

Fintech tiếp tục thúc đẩy các mô hình kinh doanh và lĩnh vực kinh doanh mới trong ngành dịch vụ tài chính. Thời gian qua, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực fintech tập trung vào công nghệ đột phá để thâm nhập vào chuỗi giá trị dịch vụ tài chính. Theo thống kê của PwC năm 2020, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này đã thành công trong việc cung cấp dịch vụ tài chính với trải nghiệm khách hàng tốt hơn, tiện lợi hơn và mức giá rẻ hơn. Nhu cầu của khách hàng đối với dịch vụ ngân hàng và quản lý tài chính ngày càng lớn, mở ra cơ hội cho cả các tổ chức tài chính truyền thống và các công ty fintech.

Mặc dù có quy mô tương đối nhỏ so với các dịch vụ tài chính truyền thống, các dịch vụ tài chính số đang có tốc độ tăng trưởng nhanh tại nhiều quốc gia và khu vực, thậm chí ở cả những nơi mà dịch vụ tài chính truyền thống đang chững lại hoặc giảm sút, đặc biệt là châu Phi và châu Á. Các bằng chứng cho thấy, fintech (bao gồm cả mobile money) có thể giúp người dân và doanh nghiệp duy trì, thậm chí tăng cường tiếp cận các dịch vụ tài chính. Ngoài ra, tài chính số cũng giúp bổ khuyết cho các dịch vụ tài chính truyền thống tại những nơi mà việc cung cấp dịch vụ truyền thống ít hiện diện. Không chỉ làm thay đổi cách cung cấp các dịch vụ tài chính, fintech đem lại nhiều lợi ích như giao dịch nhanh hơn, hiệu quả hơn, chi phí thấp hơn, yêu cầu ít hơn hoặc không cần tài sản thế chấp cho cấp tín dụng...

Theo The Global Fintech Index 2020, với hơn 7.000 công ty fintech, tổng giá trị đầu tư vào fintech toàn cầu tăng từ 60,2 tỷ USD năm 2017 lên đến 150,3 tỷ USD năm 2019, tương ứng tăng 250% sau 2 năm. Đầu tư vào fintech tập trung vào những lĩnh vực liên quan đến các hoạt động mua bán - sáp nhập, đầu tư mạo hiểm và cổ phần tư nhân. Số lượng giao dịch đầu tư vào fintech trên toàn cầu giai đoạn 2017 - 2019 có sự gia tăng đáng kể từ 2.914 giao dịch năm 2017 lên 3.639 giao dịch năm 2018 và 3.286 giao dịch năm 2019.

10 trung tâm fintech toàn cầu hàng đầu gồm: Mỹ, Anh, Singapore, Lithuania, Thụy Sĩ, Hà Lan, Thụy Điển, Australia, Canada, Estonia. Các quốc gia này có môi trường công nghệ cao, nền kinh tế mở và tự do, tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ công nghệ tài chính cũng chiếm tỷ trọng lớn.

Dưới sự tác động của kinh tế số, nhiều lĩnh vực đầu tư mới đã được mở ra. Trong đó nổi bật là tiền kỹ thuật số - một trong những ứng dụng đầu tiên của công nghệ chuỗi khối (Blockchain). Dù tiền kỹ thuật số chưa thể trở thành phương tiện thanh toán chính thống bởi sự rủi ro và biến động giá lớn, song đây chắc chắn là xu thế không thể bỏ qua.

Thị trường tiền kỹ thuật số đang chứng tỏ sức hút ngày càng mạnh mẽ. Theo thống kê của Crypto.com, tính đến tháng 1/2021 đã có hơn 100 triệu người dùng tiền kỹ thuật số trên phạm vi toàn cầu. Bên cạnh Bitcoin, đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới, đến thời điểm hiện tại đã có hơn 5.000 loại tiền kỹ thuật số khác được lưu hành.

Các loại tiền kỹ thuật số tiên phong như Bitcoin được thiết kế với mục đích trở thành phương tiện thanh toán, trao đổi thay thế tiền pháp định. Và trong hơn 1 thập niên qua, những đồng tiền kỹ thuật số này nổi lên như kênh đầu tư tài chính mới để tìm kiếm thu nhập, phòng ngừa rủi ro, khi giá của chúng không ngừng tăng.

Theo dữ liệu từ Coindesk, giá Bitcoin đã tăng hơn 300% trong năm 2020. Giá của đồng tiền kỹ thuật số này tiếp tục tăng mạnh kể từ đầu năm 2021 và đạt mức đỉnh lịch sử hơn 64.000 USD vào ngày 14/4 sau khi sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất nước Mỹ Coinbase thực hiện IPO trên Nasdaq. Thương vụ này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự phát triển của Bitcoin và các tài sản kỹ thuật số khác, thu hút nhiều công ty chính thống lao vào lĩnh vực này.

Trong hoạt động thanh toán, sự chấp nhận tiền kỹ thuật số như là phương tiện thanh toán đã có những chuyển biến rõ nét. Theo thống kê của Coinmap.org, tính đến tháng 4/2021, có 22.094 địa điểm trên toàn cầu chấp nhận thanh toán bằng tiền kỹ thuật số. Thậm chí, Tesla còn thông báo khách hàng tại Mỹ có thể mua xe của hãng bằng đồng Bitcoin. Các định chế cung cấp dịch vụ thanh toán toàn cầu như Mastercard, Visa, Paypal cũng chấp nhận tiền kỹ thuật số như một loại tiền tệ.

Chuyên đề