Kịch bản đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam

(BĐT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, theo kế hoạch, Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng mức đầu tư dự kiến là 58,71 tỷ USD sẽ được báo cáo Bộ Chính trị vào tháng 5/2019 và trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2019.
Phía tư vấn đề xuất nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại để khai thác vận tải hàng hóa và hành khách địa phương song song với việc xây dựng đường sắt tốc độ cao. Ảnh: Nhã Chi
Phía tư vấn đề xuất nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại để khai thác vận tải hàng hóa và hành khách địa phương song song với việc xây dựng đường sắt tốc độ cao. Ảnh: Nhã Chi

Suất đầu tư 38 triệu USD/km

Theo Bộ GTVT, hành lang Bắc - Nam có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, thị phần vận tải trên hành lang này chưa cân đối giữa các phương thức, chi phí logistics cao gấp 2 mức trung bình trên thế giới. Nếu chỉ đầu tư các phương thức vận tải đường bộ, hàng không và đường biển theo quy hoạch và nâng cấp đường sắt hiện tại thì không đáp ứng đủ nhu cầu. Việc phát triển tuyến đường sắt mới, tốc độ cao Bắc - Nam với những ưu điểm về năng lực vận chuyển, tốc độ, mức độ an toàn, khả năng phát triển bền vững, hài hòa giữa các phương tiện vận tải… là phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Liên tục từ năm 2005 đến nay, đã có nhiều tổ chức tư vấn trong nước và quốc tế thực hiện nghiên cứu loại hình đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam. Thời gian qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã thuê Liên danh tư vấn trong nước phối hợp với tư vấn hỗ trợ kỹ thuật phía Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) rà soát các nghiên cứu trước đây, tiến hành nghiên cứu và cập nhật bổ sung để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (NCTKT) Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Bộ GTVT cũng đã trực tiếp làm việc và thống nhất bằng văn bản đối với 20/20 địa phương có Dự án đi qua về phương án hướng tuyến, vị trí nhà ga, depot, trạm bảo dưỡng; đồng thời đã tổ chức xin ý kiến của các bộ, ngành, địa phương liên quan đối với nội dung Báo cáo NCTKT Dự án.

Bộ GTVT cho biết, tổng mức đầu tư Dự án khoảng 58,71 tỷ USD (tương đương với suất đầu tư 38 triệu USD/km), chiều dài toàn tuyến khoảng 1.559 km (cầu chiếm 60%, hầm chiếm 10% và đường chiếm 30%). Tuyến đường sắt có điểm đầu là ga Hà Nội (đoạn từ ga Hà Nội đến Ngọc Hồi đi chung hạ tầng với tuyến đường sắt đô thị số 1); điểm cuối là ga Thủ Thiêm (TP.HCM). Tuyến đường sắt này bao gồm 24 ga và 3 ga quy hoạch tiềm năng, 5 depot và 42 cơ sở bảo trì hạ tầng. Tổng nhu cầu sử dụng đất cho Dự án khoảng 9.834 ha. Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ sử dụng công nghệ đoàn tàu động lực phân tán và công nghệ tín hiệu điều khiển sử dụng sóng vô tuyến, phương thức đóng đường sử dụng phân khu di động. 

2 phương án phân kỳ đầu tư

Qua nghiên cứu và rà soát 6 phương án đầu tư Dự án, Liên danh tư vấn trong nước và tư vấn hỗ trợ kỹ thuật phía JICA đề xuất, nên nâng cấp, tối ưu hóa năng lực đường đơn của tuyến đường sắt hiện tại để khai thác vận tải hàng hóa và hành khách địa phương; đồng thời xây dựng đường sắt mới phục vụ tàu khách với định hướng về lâu dài khai thác tốc độ tối đa 320 km/h (tốc độ thiết kế là 350 km/h).

Bộ GTVT cũng cho biết, phía đơn vị tư vấn đã nghiên cứu 2 phương án phân kỳ đầu tư (theo chiều dọc và theo chiều ngang) trên cơ sở đánh giá về khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang, khả năng huy động các nguồn lực đầu tư, hiệu quả đầu tư Dự án cũng như sự phù hợp với quy hoạch liên quan. Theo đó, giai đoạn 1 (dự kiến từ năm 2020 - 2032) sẽ thực hiện đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh (dài 295 km với tổng mức đầu tư khoảng 12,022 tỷ USD) và đoạn TP.HCM - Nha Trang (dài 370 km với tổng mức đầu tư khoảng 12,691 tỷ USD). Giai đoạn 2 của Dự án (dự kiến từ 2032 - 2050) sẽ thực hiện đầu tư đoạn Vinh - Nha Trang (dài 894 km với tổng mức đầu tư khoảng 33,998 tỷ USD) để nối thông toàn tuyến đường sắt tốc

độ cao.

Theo đề xuất, Dự án sẽ được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), trong đó vốn nhà nước khoảng 80%, vốn tư nhân khoảng 20%. Kết quả NCTKT Dự án cho biết, dự tính giá trị đầu tư bình quân hàng năm trong giai đoạn 1 của Dự án chiếm 0,7% GDP; giai đoạn 2 của Dự án chiếm 0,55% GDP. Bộ GTVT cho rằng, với tình hình sử dụng và mức trả nợ công hiện nay của Chính phủ, Dự án không làm vượt trần nợ công 65% GDP theo quy định trong suốt cả 2 giai đoạn đầu tư.

Phía đơn vị tư vấn lập Báo cáo NCTKT Dự án đề xuất thành lập Công ty Đầu tư và quản lý hạ tầng đường sắt tốc độ cao và Công ty Vận tải đường sắt tốc độ cao. Trong đó, Công ty Vận tải đường sắt tốc độ cao sẽ đầu tư phương tiện, tổ chức vận hành khai thác và trả phí thuê hạ tầng cho Công ty Đầu tư và quản lý hạ tầng đường sắt tốc độ cao.

Chuyên đề