Không tháo gỡ điểm nghẽn, khó giảm phí logistics

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bối cảnh dịch bệnh đã và đang tạo ra nhiều thách thức mà ngành dịch vụ logistics phải vượt qua. Khơi thông dòng chảy cho “mạch máu” của nền kinh tế trong bối cảnh mới, giảm chi phí dịch vụ và giải pháp để phát triển bứt phá là vấn đề nóng được đặt ra hiện nay.
Theo tính toán của Hiệp hội Logistics Việt Nam, chi phí logistics ở mức trên 16% GDP. Ảnh: Nhã Chi
Theo tính toán của Hiệp hội Logistics Việt Nam, chi phí logistics ở mức trên 16% GDP. Ảnh: Nhã Chi

Ông Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương nhận định, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh, vận tải của ngành logistics. Khó khăn lớn nhất có thể nhìn thấy là sự đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng dịch vụ chuyên chở hàng hóa; hoạt động xuất nhập khẩu và vận chuyển quốc tế.

Ông Đinh Hữu Thạnh, Tổng giám đốc Công ty CP Giao nhận vận tải Con Ong nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề lên ngành dịch vụ logistics khiến chuỗi cung ứng ở mọi loại hình vận tải bị đứt gãy. Theo đó, sản xuất bị gián đoạn, giá cước vận tải tăng phi mã… Trong khi đó, thương mại quốc tế cũng bất định trong việc tuân thủ hợp đồng khiến rủi ro với doanh nghiệp (DN) gia tăng… Để tiết giảm chi phí, nhiều DN đã phải cắt giảm lương, thưởng của nhân viên, giảm lao động…

Về bức tranh vận tải hiện nay, bà Nguyễn Thị Phương Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải) chỉ ra, hệ thống vận tải của Việt Nam (đường bộ, đường sắt, đường thủy…) dù đã được đầu tư, song chất lượng dịch vụ còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.

Đặc biệt, theo số liệu Ngân hàng Thế giới (WB) công bố năm 2020, chi phí logistics của Việt Nam chiếm khoảng 20% GDP. Gần đây, Hiệp hội Logistics Việt Nam tính toán và công bố, chi phí logistics ở mức trên 16% GDP. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, DN, đây là mức chi phí cao so với khu vực và thế giới, có thể ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Dự báo về phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong 10 năm tới, bà Hiền nhận định, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao 6,5 - 7%/năm, tự do thương mại tiếp tục duy trì và phát triển… dẫn đến nhu cầu vận tải tăng mạnh. Theo đó, logistics sẽ là lĩnh vực hoạt động rất mạnh mẽ trong thời gian tới. Ngành giao thông vận tải cần phải phát triển nhanh và mạnh hơn để đáp ứng nhu cầu vận tải tăng cao với chi phí hợp lý.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Lê Minh, Tổng giám đốc Công ty CP Kho vận Việt Nam cho rằng, nếu dòng chảy này không được khơi thông thì bài toán về chi phí logistics sẽ không bao giờ giải được.

Về giải pháp giảm chi phí dịch vụ logistics, ông Minh đề xuất, trước hết phải có thông tin chính xác về việc chi phí logistics cao thông qua việc khảo sát, nghiên cứu và phân tích rõ chi phí cao đang thuộc khâu nào trong chuỗi (vận tải biển, hải quan hay khâu xếp dỡ…) nhằm tìm giải pháp căn cơ điều chỉnh giảm một cách thiết thực, phù hợp.

“Ai cũng nói chi phí vận tải biển cao nhưng có thể làm được gì vì những yếu tố có thể giúp giảm chi phí nằm ngoài tầm kiểm soát như việc các hãng tàu cung cấp dịch vụ hiện nay chủ yếu là các hãng tàu ngoại. Thực tế này đòi hỏi phải tìm kiếm những giải pháp mới sáng tạo hơn”, ông Minh nhấn mạnh.

Theo đại diện Công ty CP Kho vận Việt Nam, điều đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa qua, chưa hề nghe ý kiến nào của các DN FDI như: Nike, Samsung… phàn nàn về giá cước vận tải biển tăng cao. Lý do là những DN này thường ký kết hợp đồng dài hạn với các DN vận tải. Nhờ đó, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giá cước vận tải tăng phi mã, giá cước vận tải của các DN này vẫn được đảm bảo. “Điều này có nghĩa là, DN Việt Nam phải làm ăn bài bản hơn, phải phối hợp ký kết các hợp đồng nhằm giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa”, ông Minh nói.

Bên cạnh đó, ông Đinh Hữu Thạnh cho rằng, DN logistics phải không ngừng tái cấu trúc bằng việc đẩy mạnh số hóa trong hoạt động nhằm loại bỏ những tác nghiệp dư thừa. Về tài chính, theo dõi chặt chẽ dòng tiền, đẩy mạnh thu hồi công nợ, giới hạn công nợ cho khách hàng góp phần giảm thiểu rủi ro…

Để tạo sự bứt phá mạnh mẽ cho ngành dịch vụ này, ông Bùi Anh Tuấn cho rằng, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước cùng các hiệp hội DN trong việc tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như năng lực quốc gia về logistics.

Chuyên đề