Thanh tra cần có cách thức tiếp cận phù hợp để đưa ra các khuyến nghị xác đáng cho các vấn đề “nóng” liên quan đến đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế hiện nay. Ảnh: Huấn Anh |
Năm 2018, với tinh thần cầu thị và mong muốn thông qua thanh, kiểm tra sẽ đưa ra những khuyến nghị hữu hiệu để hoàn thiện cơ chế, chính sách, ông Trần Kỳ Sơn, Chánh Thanh tra Bộ KH&ĐT khẳng định, Thanh tra Bộ KH&ĐT sẽ không ngại đụng chạm với các vấn đề “nóng”.
Với cương vị là người đứng đầu cơ quan thanh tra ngành KH&ĐT ở Trung ương, ông nhìn nhận thế nào về những kết quả mà thanh tra Ngành đạt được trong năm 2017?
Luật Đầu tư công chính thức có hiệu lực từ năm 2015 nhưng do độ trễ trong áp dụng chính sách nên năm 2016 mới thực sự là năm bản lề trong thực hiện các dự án theo Luật. Với nhiều địa phương, việc áp dụng các quy định của Luật Đầu tư công là hết sức mới mẻ nên đã xảy ra tình trạng lúng túng, vướng mắc trong việc chấp pháp các quy định, dẫn đến chậm phân bổ các nguồn vốn cho dự án để đảm bảo được tiến độ đề ra theo kế hoạch.
Trong năm 2017, công tác thanh tra của ngành KH&ĐT chủ yếu tập trung vào việc kiểm tra chấp hành pháp luật về đầu tư công, quá trình thực hiện dự án, nợ đọng xây dựng cơ bản để tìm ra các nguyên nhân của việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, khó khăn của địa phương khi áp dụng các quy định của Nhà nước, từ đó đưa ra các khuyến nghị để hoàn thiện chính sách, các giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục và tháo gỡ vướng mắc cho địa phương, bộ, ngành.
Bên cạnh đó, trong vài năm trở lại đây, nhiều địa phương đã triển khai hàng loạt dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), đặc biệt là theo loại hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Trong năm 2017, Thanh tra Bộ KH&ĐT đã tiến hành thanh, kiểm tra một số dự án BT tại một vài địa phương. Kết quả thanh, kiểm tra cho thấy, trong việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với loại hình hợp đồng này, cách tiếp cận, cách hiểu về nội hàm các quy định pháp luật của các địa phương vẫn khác nhau, có những “độ vênh” nhất định; việc sử dụng quỹ đất để hoàn vốn cho dự án BT ở một số địa phương vẫn còn chỗ thiếu chính xác, chưa đúng và chưa hiệu quả. Chính vì vậy, trong và sau quá trình thanh tra, Thanh tra Bộ KH&ĐT đã chỉ ra cho các địa phương những điểm chưa phù hợp trong quá trình triển khai dự án BT, qua đó, tư vấn, hướng dẫn cho địa phương cách hiểu, cách tiếp cận và thực hiện loại hình dự án này đúng hơn, rút kinh nghiệm cho các dự án triển khai tiếp theo.
Là cơ quan thanh tra của Bộ KH&ĐT nên nhiệm vụ chính, xuyên suốt của Thanh tra Bộ trong năm 2018 vẫn là bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, tập trung thanh tra, kiểm tra vào các vấn đề đầu tư công. Tuy nhiên, do nhân lực mỏng, lại phải dự phòng cho các cuộc thanh tra đột xuất (có thể diễn ra trong năm) nên số lượng các cuộc thanh tra trong năm 2018 tính đến thời điểm hiện tại giảm hơn so với cùng kỳ các năm trước.
Khác với những năm trước, trong năm 2018, Thanh tra Bộ KH&ĐT sẽ phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Y tế triển khai thanh tra diện rộng về đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cuộc thanh tra chuyên đề lớn, diện rộng, được thực hiện trên phạm vi cả nước và cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề nhạy cảm, được dư luận khá quan tâm. Trước đây, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Y tế vẫn tiến hành đơn lẻ một số cuộc thanh tra về đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế, song một cuộc thanh tra chuyên ngành, quy mô rộng lớn với sự phối hợp với các cơ quan liên ngành thì chưa từng xảy ra trong lĩnh vực này. Với Thanh tra Bộ KH&ĐT, đây là lĩnh vực mới nên trong quá trình thanh tra sẽ phải xem xét, tìm hiểu và nghiên cứu kỹ những vấn đề đặc thù của ngành y tế. Hệ thống y tế bao phủ rộng khắp từ Trung ương đến địa phương, từ bệnh viện tuyến trung ương đến các trạm y tế cấp xã/phường nên việc quản lý cũng đa dạng. Vì thế, để bao quát và thanh tra được toàn diện công tác đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế là thách thức không nhỏ đối với đoàn công tác thanh tra liên ngành.
Mặt khác, nguồn vốn sử dụng để đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế hiện nay cũng khá đa dạng, gồm: ngân sách nhà nước, nguồn từ bảo hiểm xã hội, nguồn vốn tự chủ của các bệnh viện, nguồn vốn xã hội hóa…, nên việc sử dụng, quản lý khá phức tạp. Điều này cũng đòi hỏi đoàn thanh tra liên ngành phải có cách thức tiếp cận phù hợp, cách triển khai hợp lý thì mới có thể đưa ra các khuyến nghị xác đáng, đúng và trúng cho các vấn đề “nóng” liên quan đến đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế hiện nay. Với tinh thần cầu thị và mong muốn thông qua thanh, kiểm tra sẽ đưa ra những khuyến nghị hữu hiệu để hoàn thiện cơ chế, chính sách về đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế, Thanh tra Bộ KH&ĐT sẽ không ngại đụng chạm các vấn đề “nóng” trong quá trình thanh tra.
Thời gian qua, việc chồng chéo, trùng lắp trong thanh tra nhận được nhiều sự quan ngại của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Có một thực tế là tình trạng chồng chéo trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh, kiểm tra giữa một số cơ quan nhà nước đã xuất hiện từ khoảng 5 năm trở lại đây.
Hiện nay, thẩm quyền hoạt động của thanh tra trong đầu tư xây dựng gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ KH&ĐT, Thanh tra Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, còn có hệ thống thanh tra chuyên ngành của các bộ như: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…; hệ thống thanh tra của UBND cấp tỉnh/thành phố, thanh tra sở chuyên ngành. Trong khi đó, thời gian qua, lực lượng Kiểm toán Nhà nước được tăng cường và đẩy mạnh, nội dung kiểm toán là kiểm toán hoạt động, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán báo cáo tài chính. Chính vì thế, có nhiều hoạt động và nội dung kiểm toán trùng với hoạt động thanh tra, kiểm tra. Thực tế cũng đã xảy ra câu chuyện một dự án mà cùng lúc nhiều cơ quan vào thực hiện thanh tra, kiểm tra và kiểm toán, dẫn đến sự chồng chéo, trùng lắp về nội dung công việc của nhau, làm ảnh hưởng tới hoạt động của đối tượng bị thanh tra, kiểm toán.
Thời gian qua, để giảm thiểu việc trùng lặp về nội dung và đối tượng thanh tra, kiểm toán, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị cụ thể về vấn đề này, song câu chuyện vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Bản chất của vấn đề này là do thể chế, quy định của pháp luật đặt ra đối với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, không phải do yếu tố con người. Chính vì thế, để tránh trùng lặp, chồng chéo trong công tác này thì trước mắt, các cơ quan liên quan cần “ngồi lại với nhau”, ký kết và thực hiện quy chế phối hợp chặt chẽ.