Không kích căn cứ Syria - cơ hội đi đôi với rủi ro cho Trump

Vụ không kích vào căn cứ Syria có thể cải thiện hình ảnh cho Trump nhưng cũng mang đến nhiều rủi ro.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh:Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh:Reuters

Với vụ phóng tên chỉ 77 ngày sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump có cơ hội thay đổi cách nhìn nhận rằng chính quyền của ông đang hỗn loạn, theo NYTimes.

Cuộc tấn công sẽ định hình cuộc họp vào tuần tới giữa Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Tổng thống Nga Vladimir Putin - cuộc gặp đầu tiên giữa nhà lãnh đạo Nga và một thành viên của chính quyền Trump.

Trước cuộc tấn công vào căn cứ không quân Syria ngày 6/4, chương trình nghị sự của cuộc họp dự kiến liên quan tới cuộc điều tra về cáo buộc Nga tấn công mạng và can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống theo hướng có lợi cho Trump.

Tuy nhiên, hoạt động quân sự nhằm vào Syria cho phép chính quyền Trump có cơ hội yêu cầu ông Putin hoặc kiềm chế hoặc từ bỏ hỗ trợ lãnh đạo Syria Basharal-Assad, nếu không, ông Trump sẽ mở rộng hành động quân sự của Mỹ một cách nhanh chóng.

Tàu Mỹ phóng tên lửa tấn công căn cứ Syria

Theo ông Antony J. Blinken, thứ trưởng ngoại giao dưới thời Tổng thống Barack Obama, "cuộc tấn công hóa học của chính phủ Syria" chống lại phiến quân đã buộc Mỹ phải ra tay hành động.

Nhiều người trong số các trợ lý cao cấp của ông Obama từng kêu gọi hành động tương tự vào cuối mùa hè năm 2013, cũng liên quan đến việc sử dụng vũ khí hóa học của ông Assad. Tuy nhiên, thay vì hành động quân sự, ông Obama đã buộc ông Assad ký một thỏa thuận để đưa nhiều vũ khí hóa học Syria ra khỏi đất nước.

Trong chiến dịch tranh cử năm ngoái, ông Trump cho rằng quyết định của ông Obama vào thời điểm đó là biểu hiện cho sự yếu ớt của Mỹ và không nên được lặp lại. Xét về mặt đó, cuộc tấn công ngày 6/4 có thể coi là được định trước.

Nhưng cũng có những rủi ro đáng kể cho ông Trump trong vài tuần tới. Nguy cơ đầu tiên là mưu lược của ông với ông Putin thất bại. Nhà lãnh đạo Nga có thể thích ông Trump hơn đối thủ Hillary Clinton trong cuộc bầu cử. Tuy nhiên, ông Putin chắc chắn sẽ không tham gia vào một thỏa thuận đe doạ ảnh hưởng của mình đối với Syria - chỗ đứng chính của ông ở Trung Đông. Syria là nơi đặt căn cứ quân sự chính ngoài biên giới của Nga.

Nguy cơ thứ hai là ông Trump phá vỡ mục tiêu chính của ông trong khu vực: đánh bại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Nếu Syria sụp đổ, nước này có thể trở thành nơi trú ẩn cho khủng bố Hồi giáo - tình huống mà ông Trump cố gắng ngăn chặn. Tướng Mỹ nghỉ hưu David H. Petraeus nhấn mạnh rằng một trong những bài học của thập niên qua là nếu có chỗ trống quyền lực trong khu vực thì một số kẻ cực đoan Hồi giáo sẽ khai thác nó.

Nguy cơ thứ ba là ông Trump không có kế hoạch thực sự để đem đến hòa bình cho Syria. Các cuộc đàm phán do Mỹ dẫn đầu để đưa ra hiệp ước chính trị - nhiệm vụ của John Kerry trong 18 tháng cuối cùng với tư cách ngoại trưởng Mỹ - đã thất bại.

Ông Tillerson đã cho thấy ông không có mong muốn bắt đầu một chiến dịch ngoại giao mới. Ngân sách đề xuất của ông Trump cắt giảm các chương trình cứu giúp những người Syria vô gia cư sống sót sau 6 năm nội chiến.

Trong quá trình tranh cử, ông Trump từng phản đối việc can thiệp nhân đạo và trong một cuộc phỏng vấn với New York Times năm ngoái, ông không thể nêu ra được điều kiện có thể khiến ông sử dụng quân đội Mỹ để bảo vệ người dân nước ngoài. Việc đó đơn giản là không phù hợp với định nghĩa của ông về "nước Mỹ trước tiên".

Nhưng cũng giống như nhiều người tiền nhiệm của mình, người tính không bằng trời tính - hoàn cảnh đã đưa đẩy dẫn tới việc Trump chọn lựa tung ra hành động quân sự.

"Câu hỏi bây giờ là liệu đội ngũ mới, chưa được thử sức của ông có thể biến sự can thiệp ở Syria thành một điều gì đó hơn là phô diễn vũ lực hay không", cây bút David E. Sanger của NYTimes viết. 

Chuyên đề