Không để “lỡ nhịp” cách mạng công nghiệp 4.0

(BĐT) - Do điều kiện lịch sử, Việt Nam đã lỡ nhịp cả 3 cuộc các mạng công nghiệp (CMCN) trước đây. Nếu có chuẩn bị nghiêm túc, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, thì Việt Nam có thể nắm bắt và bứt phá trước cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh

Phát biểu tại Hội thảo Năng lực cạnh tranh và phát triển bao trùm trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, thực tế chứng minh, các quốc gia đang phát triển hoàn toàn có thể bắt kịp và vượt các quốc gia phát triển trong cuộc CMCN 4.0.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trọng tâm của CMCN 4.0 là việc xây dựng một thế giới siêu kết nối dựa trên công nghệ số nhằm tạo thuận lợi, và thúc đẩy những giải pháp phát triển mới. Thế giới siêu kết nối sẽ tạo cơ hội cho mọi cá nhân, gia đình, tổ chức... ở mọi vùng miền đều có thể khởi nghiệp. Đây chính là cơ hội cho sự phát triển bao trùm.

“Nếu như đại đa số người dân ở châu Âu và Bắc Mỹ chưa có thói quen sử dụng thanh toán qua di động, thì 90% dân số trưởng thành ở Kenya, trên 40% dân số trưởng thành ở tại Tanzania, Zimbabwe, hay Namibia thường xuyên sử dụng phương thức thanh toán thuận tiện này. Alibaba giúp hàng triệu hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Trung Quốc tham gia vào nền kinh tế số, tăng sức cạnh tranh của quốc gia này trên phạm vi toàn cầu”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ và nhận định, trong cuộc cách mạng này một nước đi sau có thể có lợi thế hơn nếu biết học hỏi, lựa chọn hướng đi và tiến nhanh lên phía trước.

“Trong lĩnh vực hạ tầng kết nối viễn thông, chúng ta đã có những thành công đáng kể khi có trên 130 triệu thuê bao di động/90 triệu dân. Vùng phủ 4G lên đến 99% số quận huyện với gần 60 triệu kết nối mobile băng thông rộng (3G, 4G). Hiện có 55% dân số đã thường xuyên kết nối Internet… Đây là nền tảng thuận lợi để những mô hình kinh doanh mới dựa trên kết nối số phát triển nhanh”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ. 

Nắm bắt cơ hội như thế nào?

Dù cơ hội đón đợi từ cuộc CMCN 4.0 là rất lớn, song Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận, CMCN 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bao trùm cho Việt Nam. Điển hình là thay đổi mô hình kinh doanh, tự động hóa gây ra xáo trộn, chuyển dịch, thay thế lao động quy mô trong các ngành sản xuất, chế tạo ở Việt Nam. Việc phổ cập của công nghệ số sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi cá nhân, ở mỗi vùng miền, nhưng đồng thời cũng đặt ra nguy cơ tụt hậu cho những cộng đồng không nắm bắt được cơ hội…

Trước thách thức đó, từ góc độ là một Chính phủ kiến tạo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh 3 cam kết của Chính phủ để Việt Nam có thể vượt qua các thách thức, tận dụng cơ hội và bứt phá, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bao trùm trong cuộc CMCN 4.0.

Đầu tiên là Chính phủ thường xuyên đối thoại, làm việc chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước để tìm hiểu và loại bỏ các rào cản, các vấn đề đã và có thể sẽ phát sinh; hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo cơ chế và xây dựng các chương trình hành động cần thiết; tích cực khuyến khích hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp dựa trên khoa học công nghệ...

Tiếp đó, Chính phủ tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng kết nối số bao gồm hạ tầng cứng giúp mọi cá nhân, mọi thiết bị, cảm biến được kết nối mọi lúc, mọi nơi, an toàn, với tốc độ cao, theo thời gian thực; và hạ tầng mềm bao gồm những vấn đề như các qui chuẩn, tiêu chuẩn, qui định pháp lý về giao dịch số, chữ ký số, thanh toán điện tử, các dịch vụ công nghệ tài chính (Fintech), sở hữu trí tuệ. Thứ ba là thúc đẩy số hóa những lĩnh vực quản trị công.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ thêm, từ nhiều năm nay, Chính phủ Việt Nam nhất quán xác định nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế và củng cố các nền tảng lâu dài cho phát triển. Việt Nam có nhiều cơ hội để tranh thủ tiến bộ công nghệ, nâng cao năng suất và cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế.

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì khuyến nghị Chính phủ cần căn cứ vào các yêu cầu của CMCN 4.0 để có giải pháp phát triển phù hợp. Quan điểm của TS. Thiên là CMCN 4.0 sẽ ập vào Việt Nam chứ không phải lan vào, buộc chúng ta không thể bình chân.

Chuyên đề