Khơi thông thị trường xuất khẩu trong lúc khống chế dịch Corona

(BĐT) - Ngay tháng đầu năm 2020, tình hình dịch viêm phổi cấp do virus Corona khởi phát từ Trung Quốc đang có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. 
Dịch viêm phổi do virus Corona diễn biến phức tạp khiến việc tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản như: thanh long, dưa hấu... của Việt Nam bị ách tắc, phải bán tháo. Ảnh: st
Dịch viêm phổi do virus Corona diễn biến phức tạp khiến việc tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản như: thanh long, dưa hấu... của Việt Nam bị ách tắc, phải bán tháo. Ảnh: st

Tuy nhiên, chuyên gia về thương mại nhìn nhận, bên cạnh khó khăn, cũng đang có những cơ hội mới mở ra cho xuất khẩu. Vì vậy, Việt Nam cần chuẩn bị nhiều giải pháp khơi thông thị trường xuất khẩu để đạt được mục tiêu 300 tỷ USD trong năm 2020.

Khó khăn hiện hữu ngay từ đầu năm

Số liệu mới về tình hình xuất nhập khẩu tháng 1/2020 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2020 ước đạt 38,1 tỷ USD, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 19 tỷ USD, giảm 15,8% so với tháng 12/2019 và giảm 14,3% so với tháng 1/2019.

Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch giảm là: Hàng dệt may đạt 2,6 tỷ USD, giảm 21%; điện thoại và linh kiện đạt 2,6 tỷ USD, giảm 22,4%; giày dép đạt 1,6 tỷ USD, giảm 9,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 1,5 tỷ USD, giảm 6,5%.  Bên cạnh đó, không ít mặt hàng nông sản cũng có kim ngạch giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước như: Thủy sản đạt 550 triệu USD, giảm 25,2%; rau quả đạt 340 triệu USD, giảm 3,9%; cà phê đạt 245 triệu USD, giảm 30,3%; hạt điều đạt 215 triệu USD, giảm 19,6%...

Đặc biệt, trong những ngày gần đây, dịch viêm phổi do virus Corona đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp khiến nhiều mặt hàng nông sản như: thanh long, dưa hấu... của Việt Nam bị đình trệ, “lỡ hẹn” xuất chính ngạch sang Trung Quốc.

Tại Hội nghị Thúc đẩy đầu tư, thương mại, phát triển sản xuất nông sản trước tác động của dịch virus Corona diễn ra chiều 3/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định, với riêng hàng nông sản, Trung Quốc là thị trường lớn, do đó, nông nghiệp sẽ chịu tổn thương lớn nhất.

Đồng tình với góc nhìn này, chia sẻ với Báo Đấu thầu chiều cùng ngày, PGS.TS Phạm Tất Thắng, chuyên gia về thương mại, cũng cho rằng: “Dịch viêm phổi cấp do virus Corona có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của ta”. Theo ông Thắng, xuất khẩu tại chỗ sẽ bị giảm, bởi dòng người du lịch vào Việt Nam sẽ giảm. Hai là, trong bối cảnh dịch viêm phổi diễn biến khó lường, xuất khẩu sang Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng, nhất là hàng nông sản. “Dịch viêm phổi cấp có thể kéo dài không chỉ 1 - 2 tuần mà thậm chí nhiều tháng. Như vậy, có lẽ ngay từ bây giờ, các đơn vị xuất khẩu nông sản của chúng ta cần tìm giải pháp khác như chế biến tại chỗ, tìm kiếm thị trường khác để xuất khẩu nông sản. Về lâu dài, đây là bước thúc đẩy nông sản Việt Nam đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu theo hướng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc”, chuyên gia này gợi ý. 

Thúc đẩy xuất khẩu đạt mục tiêu

Mặc dù vấp phải những khó khăn ngay trong tháng đầu năm, nhưng PGS.TS Phạm Tất Thắng nhận định, Việt Nam có nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu chạm mốc 300 tỷ USD như kỳ vọng. Bởi, theo ông Thắng, trong bối cảnh hiện nay, nếu chúng ta giữ dịch không ảnh hưởng lớn, đặc biệt là với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành khống chế dịch tốt như hiện nay, thì đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, vì các quốc gia đang có dịch hiện không xuất khẩu được. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn có thể diễn biến căng thẳng. Đây là cơ hội cho những quốc gia không nằm trong cuộc chiến, trong đó có Việt Nam, thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Mỹ...

Trước những diễn biến không thuận lợi của tình hình dịch viêm phổi cấp do virus Corona có thể tác động tới xuất khẩu của Việt Nam, cách đây ít ngày, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ theo dõi sát tình hình, diễn biến tại các cửa khẩu, thông báo kịp thời cho các doanh nghiệp, hiệp hội để có phương án thích hợp trong trường hợp hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc bị hạn chế hoặc tạm dừng để thực hiện các biện pháp chống dịch.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc tìm kiếm, mở rộng thị trường là cần thiết, và trên thực tế Bộ Công Thương đã và đang tích cực triển khai. Tuy nhiên, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch thì trước hết cần tập trung vào những thị trường có tiềm năng và còn dư địa phát triển.

Một số chuyên gia cũng nhấn mạnh, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của doanh nghiệp Việt Nam, vì vậy cần được coi trọng. “Chỉ có xuất khẩu bằng con đường chính ngạch thì chúng ta mới có hy vọng đưa các mặt hàng vào thị trường này ổn định, bền vững. Ngược lại, nếu cứ xuất khẩu theo con đường tiểu ngạch, đường mòn, lối mở thì vẫn tiếp tục bị ách tắc, ùn ứ”, một chuyên gia khuyến nghị.

Hơn nữa, đến thời điểm hiện nay, không ít mặt hàng nông sản của Việt Nam đã vào được những thị trường khó tính như: Nhật, Australia... Vì vậy, theo các chuyên gia thương mại, doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục khai thác tốt cơ hội mở ra từ các hiệp định thương mại tự do mới để thúc đẩy xuất khẩu.

Chuyên đề