Khởi đầu khốn khó của đặc nhiệm SAS Anh

Lực lượng đặc nhiệm nổi tiếng tinh nhuệ SAS của Anh lại có khởi đầu cực kỳ vất vả, thiếu thốn trang bị đến mức khó tin, thậm chí phải trộm đồ của đơn vị bạn.

Đặc nhiệm SAS Anh phối hợp tác chiến với lính Mỹ

Được David Stirling thành lập vào tháng 7/1941, đặc nhiệm Không quân Anh (SAS) trở thành một trong những lực lượng tinh nhuệ và nổi tiếng nhất của quân đội nước này. Dù vậy, SAS đã trải qua những giai đoạn cực kỳ khó khăn và thiếu thốn thuở ban đầu, theo History Collection.

Vào những ngày đầu mới thành lập, SAS được triển khai đến Bắc Phi để đối đầu với Quân đoàn châu Phi của tướng Đức Erwin Rommel. Tuy nhiên, lính SAS không được trang bị những đồ dùng cá nhân cơ bản, khiến họ phải lấy trộm đồ của đơn vị bạn để sinh tồn.

Để chuẩn bị cho chiến dịch đặc biệt đầu tiên mang tên Squatter, đội SAS được lệnh di chuyển tới một lán trại để tập kết, nhưng khi đến nơi, họ nhận ra rằng cấp trên không trang bị đồ cắm trại cho mình. Khi đi qua trại lính New Zealand đang thực hiện nhiệm vụ, đặc nhiệm SAS đã đột nhập vào để lấy trộm những gì họ cần.

Không chỉ thiếu thốn về trang bị, lực lượng SAS còn không được huấn luyện đầy đủ về kỹ thuật tác chiến. Chỉ huy Anh dự định cho lính SAS nhảy dù xuống các sân bay của Đức tại Libya, sau đó đột nhập vào và dùng chất nổ phá hủy các máy bay tại đây.

Nhưng lực lượng này lại không hề có huấn luyện viên nhảy dù chuyên nghiệp, họ cũng chỉ sở hữu một máy bay Bristol Bombay không có khả năng thả dù. Lính SAS buộc phải tự huấn luyện nhảy dù cho nhau, hậu quả là nhiều người bị thương do tiếp đất sai kỹ thuật.

Chính sự thiếu thốn về trang bị và kỹ năng đã biến nhiệm vụ đầu tiên của SAS thành thảm họa. Khi nhảy dù xuống Libya, họ chỉ thu hồi được hai trong số 11 hòm vũ khí được thả xuống, 9 hòm còn lại bị thất lạc. Lính SAS sớm bị quân Đức phát hiện và chống trả quyết liệt, khiến họ bị thiệt hại nặng mà không phá hủy được chiếc máy bay nào của địch. Chỉ có 22 người trong đội thoát thân, còn lại đều bị bắt hoặc thiệt mạng.

Sau thất bại đầu tiên, SAS đã rút ra kinh nghiệm, được tái tổ chức và huấn luyện bài bản. Kết quả vượt ngoài mong đợi của các chỉ huy, những nhiệm vụ tiếp theo họ hoàn thành một cách xuất sắc. Cho đến hết Thế chiến II, đã có đến 400 máy bay của Đức bị SAS tiêu diệt.

Lính SAS tại Bắc Phi. Ảnh:Wikipedia.

Điều này làm tướng Rommel, chỉ huy Quân đoàn châu Phi, vô cùng ấn tượng. Còn Hitler rất tức tối, ra lệnh cho các đơn vị quân Đức giao nộp tất cả tù binh SAS cho mật vụ Gestapo để thẩm vấn.

Đến năm 1942, Hitler đổi ý, ra mệnh lệnh Kommandobefehl, yêu cầu mọi lính biệt kích Đồng minh bị bắt sẽ bị xử tử ngay mà không cần xét xử.

Trong chiến dịch Bulbasket năm 1944, 34 lính SAS rơi vào tay quân Đức đã bị xử tử ngay tức khắc. Ở chiến dịch Loyton cùng năm đó, 31 đặc nhiệm SAS cũng chịu chung số phận.

May mắn thoát chết nhờ lạc đường

Năm 1943, Italy tuyên bố đầu hàng Đồng minh, hàng trăm tù binh lợi dụng thời cơ này để trốn thoát. Tuy nhiên, họ không có cách nào tìm đường về với lực lượng Đồng minh, nên quân đội Anh đã tổ chức chiến dịch giải cứu mang tên Begonia-Jonquil. Theo kế hoạch, lính SAS sẽ được thả xuống bờ biển Italy, phối hợp với lực lượng đổ bộ đường biển của Tập đoàn quân số 8 để đưa các tù binh này trốn thoát.

Lực lượng tham gia chiến dịch Begonia. Ảnh:History Collection.

Nhưng do các bờ biển của Ý không có dấu hiệu nổi bật để nhận dạng và làm vật chuẩn, lính SAS không thể phân biệt được đâu là bãi tập kết để nhảy dù. Đến khi tiếp đất, họ mới nhận ra mình đã ở sai chỗ.

Nhưng đây lại trở thành điều may mắn cho đội SAS. Trước đó, quân Đức đã nắm được kế hoạch của chiến dịch và tổ chức phục kích tại bãi tập kết. Nhờ lạc đường nên lực lượng đặc nhiệm đã thoát khỏi cái bẫy giăng sẵn của đối phương. Tuy nhiên, chiến dịch vẫn thất bại khi chỉ có 50 trong số hàng trăm tù binh được cứu thoát.

Trong một chiến dịch khác, đặc nhiệm SAS lại mưu trí sử dụng chiến thuật lạ để đánh lừa quân Đức. Tháng 4/1944, một đơn vị đặc nhiệm gồm 50 thành viên của SAS nhảy dù xuống thành phố Reggio Emilia, Italy để phối hợp với lực lượng du kích địa phương chống lại quân Đức.

Trong trận đánh đầu tiên của chiến dịch Tombola diễn ra vào ngày 7/4, đặc nhiệm SAS và du kích đã loại khỏi vòng chiến 60 lính Đức. Trong trận này, lính SAS dùng kèn túi Uilleann truyền thống của Ireland để ra hiệu xung phong. Mục đích của họ là đánh lừa quân Đức, khiến đối phương tin rằng đang phải đối đầu với lính chính quy của Anh chứ không phải nhóm du kích được trang bị kém.

Tiếng kèn đã phát huy hiệu quả, quân Đức hoàn toàn bị đánh lừa và mất tinh thần nhanh chóng. Trong những ngày sau đó, lính SAS đã chỉ điểm cho máy bay Đồng minh ném bom vào các vị trí của đối phương, tiêu diệt thêm 300 lính Đức.

Chuyên đề