Việc tính toán đầy đủ khu vực kinh tế chưa được quan sát vào GDP sẽ cho thấy bức tranh chân thực hơn về hiện trạng nền kinh tế. Ảnh: Tường Lâm |
Khó thống kê hoạt động kinh tế ngầm
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK cho biết, khu vực kinh tế chưa được quan sát bao gồm 5 thành tố là: hoạt động kinh tế ngầm; hoạt động kinh tế phi pháp; hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát; hoạt động kinh tế hộ gia đình tự sản tự tiêu; hoạt động kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu cơ bản. Trong 5 thành tố này, TCTK đã thu thập và tính toán được các thành tố thứ ba, thứ tư và thứ năm. Còn thành tố thứ nhất và thứ hai hiện đang được nghiên cứu để đưa vào tính toán.
Thành tố thứ nhất - hoạt động kinh tế ngầm là những hoạt động kinh tế hợp pháp nhưng bị giấu giếm có chủ ý nhằm tránh phải nộp thuế (thuế thu nhập, thuế VAT), tránh đóng bảo hiểm xã hội, tránh thực hiện các quy định của Nhà nước, ví dụ như về mức lương tối thiểu, số giờ làm việc tối đa, điều kiện sức khỏe cho người lao động…; tránh thực hiện các thủ tục pháp lý, hành chính cũng như thực hiện báo cáo tài chính, báo cáo thống kê.
Thành tố thứ hai là các hoạt động kinh tế bị pháp luật cấm, ví dụ như sản xuất, buôn bán ma túy, buôn người…; các hoạt động kinh tế không bị pháp luật cấm nhưng do các nhà sản xuất trái phép thực hiện.
“2 thành tố nêu trên rất khó cho cơ quan thống kê thu thập thông tin để tính toán. Việc thu thập thông tin của 2 thành tố này không thể tiến hành theo cách chính thống do những quan điểm, cách hiểu khác nhau”, ông Lâm cho biết và dẫn chứng, nhiều quốc gia không coi đánh bạc, mại dâm là những hoạt động phi pháp, nhưng ở Việt Nam đánh bạc và mại dâm là phi pháp. Do đó, những hoạt động này không đưa vào khái niệm sản xuất và thu thập dữ liệu của thống kê Việt Nam. Vì thế, TCTK sẽ trao đổi với các bộ, ngành liên quan để thống nhất quan niệm thế nào là hoạt động kinh tế phi pháp và cách thu thập thông tin như thế nào.
Cũng theo ông Lâm, vấn đề thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát đã được nêu ra từ lâu, thậm chí những số liệu thống kê trong quá khứ cũng đã có, chỉ là chưa chính thức công bố. Vì vậy, việc thống kê lần này là có thể thực hiện được.
Lợi và hại khi đưa kinh tế ngầm vào GDP
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, việc tính toán đầy đủ khu vực kinh tế chưa được quan sát vào GDP sẽ cho thấy bức tranh chân thực hơn về hiện trạng nền kinh tế, từ đó hoạch định chính sách phù hợp. Ngoài việc hạn chế thất thu thuế, thì việc tính đúng, tính đủ bộ phận kinh tế chưa được quan sát còn giúp bảo vệ phúc lợi xã hội tốt hơn cho người lao động ở khu vực phi chính thức - những người thường không tiếp cận được với mạng lưới an sinh xã hội. Dù vậy, vẫn có lo ngại về những rủi ro nhất định khi đưa khu vực kinh tế chưa được quan sát vào để tính GDP. Chẳng hạn, khi GDP tăng do cộng thêm đóng góp của khu vực kinh tế chưa được quan sát, thì con số tuyệt đối của trần nợ công, bội chi ngân sách nhà nước cũng sẽ tăng theo.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bích Lâm, việc thống kê khu vực kinh tế ngầm và kinh tế phi pháp là rất khó khăn, ngay cả với các nước phát triển. Một dẫn chứng được nêu ra là việc các doanh nghiệp (DN) thường có 2 loại báo cáo là báo cáo thuế và báo cáo nội bộ. Sự chênh lệch số liệu giữa 2 báo cáo này có thể coi là kinh tế ngầm. Loại này không thể thống kê được, trừ phi DN bị điều tra.
Để khắc phục tình trạng này, từ góc độ kỹ thuật thống kê, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng, GDP cần được tính trực tiếp bằng phương pháp chi tiêu cuối cùng. Còn về khía cạnh xã hội, chuyên gia này khuyến nghị, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật chặt chẽ để ngăn chặn các hoạt động phi pháp, bao gồm cả nạn tham nhũng, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ - đây cũng chính là những “mầm mống” của kinh tế ngầm.