Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á-Thái Bình Dương về ứng phó với BĐKH. Ảnh: quochoi.vn |
Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới Saber Chowdhury và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới dự và phát biểu khai mạc hội nghị.
Hội nghị nhằm tạo điều kiện cho các nghị viện, nghị sĩ trong khu vực, các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động lập pháp và giám sát nhằm thực hiện Các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) với trọng tâm là SDG số 13 về biến đổi khí hậu (BĐKH).
Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận về các biện pháp thực hiện SDG 3 về bình đẳng giới và 5 về bảo vệ sức khỏe trong bối cảnh ứng phó với BĐKH. Kết quả của hội nghị sẽ là một tuyên bố hội nghị để trình Đại Hội đồng IPU và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Đây là văn bản quan trọng đề cập những kiến nghị của các nước trong khu vực liên quan đến ứng phó với BĐKH, góp phần đề cao vị thế và uy tín của Quốc hội Việt Nam và để lại dấu ấn với bạn bè quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là những quốc gia ven biển, quốc đảo nhỏ là những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng của BĐKH.
Theo các kịch bản BĐKH của Việt Nam, vào cuối thế kỷ 21, sẽ có khoảng 40% diện tích vùng ĐBSCL, 11% diện tích vùng Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các địa phương khác thuộc khu vực ven biển sẽ bị ngập nước; sẽ có khoảng 10-12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp, với tổn thất khoảng 10% GDP. Đặc biệt, TPHCM là địa phương sẽ bị ngập trên 20% diện tích.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta, nên chúng ta cần phải tăng cường sự đoàn kết và cùng phối hợp hành động một cách có trách nhiệm để giữ vững hành tinh xanh cho thế hệ tương lai. Đó chính là mục tiêu phát triển bền vững mà các quốc gia đã thống nhất thông qua tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9/2015.
Nhận thức được tầm quan trọng của BĐKH đối với việc thực hiện SDGs, Quốc hội Việt Nam nhất trí cao với IPU về nội dung nghị sự của hội nghị chuyên đề lần này, đó là thảo luận về các mục tiêu phát triển bền vững, tập trung vào mục tiêu về bình đẳng giới và sức khỏe trong bối cảnh ứng phó với BĐKH; thảo luận về các thách thức, cơ hội và hành động ứng phó với BĐKH; các cam kết quốc tế và vai trò của các cơ quan lập pháp và việc huy động nguồn lực để thực hiện SDGs và ứng phó BĐKH nói riêng.
Kết quả của hội nghị sẽ được chuyển tới Đại hội đồng IPU để chia sẻ với các thành viên IPU, trong đó có đề xuất các giải pháp và hành động của quốc hội, chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế cùng ứng phó với BĐKH.
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng, với trách nhiệm, tâm huyết của Quốc hội Việt Nam, sự tham gia tích cực và đóng góp ý kiến quý báu của các diễn giả, các vị là chủ tịch quốc hội, phó chủ tịch quốc hội, các nghị sĩ và các chuyên gia hàng đầu về BĐKH, phát triển bền vững trong nước và quốc tế, hội nghị sẽ thành công tốt đẹp.
Các đại biểu dự hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á-Thái Bình Dương về ứng phó với BĐKH. Ảnh: quochoi.vn
Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới Saber Chowdhury cho biết, hiện nay khoảng 80% thiên tai xảy ra trên toàn thế giới là do BĐKH. Trong 45 năm qua, 88% người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai nằm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với khoảng 2 triệu người bị thiệt mạng.
Điều đó cho thấy, BĐKH sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn thế giới. Sự kết nối rất chặt chẽ nhằm thích ứng với BĐKH sẽ làm giảm thiểu tác hại của thiên tai, thúc đẩy thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ là vô cùng quan trọng.
Ông Saber Chowdhury nhấn mạnh, các nghị viện đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình xác định lộ trình thực hiện Các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs), do đây là các cơ quan thực hiện các hoạt động liên quan đến thể chế; bày tỏ hy vọng, IPU và các nghị viện thành viên sẽ cam kết lãnh đạo và tích cực tham gia để thực hiện SDGs.
Chủ tịch Saber Chowdhury nêu rõ, ứng phó với BĐKH có trọng tâm là khắc phục thiên tai. Do đó, cần đưa ra những chiến lược năng động hơn cho phụ nữ, cho trẻ em, cho cả loài người trong ngăn chặn, khắc phục những thiên tai đó. Khi chúng ta bảo đảm rằng phụ nữ, trẻ em và những người còn lại có thể tồn tại thì chúng ta mới có thể triển khai ở cấp độ rộng rãi hơn.
* Ngay sau khai mạc, hội nghị đã họp phiên toàn thể thứ nhất thảo luận SDGs và vai trò của các nghị viện để đạt được các mục tiêu này. Các đại biểu sẽ xem xét các bước thực tế mà nghị viện có thể tiến hành để hỗ trợ việc thực hiện SDGs ở quốc gia và khu vực mình.
Phiên thảo luận này sẽ cũng trao đổi về những cơ hội mà SDGs có thể mang lại để đạt được bình đẳng giới tốt hơn trong quá trình ra quyết sách phát triển bền vững và tác động của yếu tố giới đối với các chính sách phát triển bền vững. Phiên họp sẽ giới thiệu về Mục tiêu số 3 về sức khỏe, đồng thời thảo luận về cách thức các quốc gia thúc đẩy các chương trình quốc gia và tác động của BĐKH đối với SDG 3 và SDG 5.
* Chiều nay, hội nghị sẽ họp phiên toàn thể thứ 2 thảo luận về các thách thức, cơ hội và hành động ứng phó của các quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Phiên họp sẽ giới thiệu bức tranh tổng quan và cập nhật về tình hình BĐKH trên toàn cầu và tác động của BĐKH đối với sự phát triển bền vững trong khu vực, các thách thức trước mắt và trong dài hạn đi kèm với những cơ hội mở ra cho việc chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững hơn.
Các đại biểu sẽ trao đổi về cách thức các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiến hành để giải quyết các thách thức, khai thác các cơ hội này và các hành động của nghị viện.