Khả năng CPTPP được phê chuẩn tại các nước

Việc thông qua CPTPP tại một số nước khá hiển nhiên, nhưng số khác sẽ phải vượt qua rào cản chính trị.
Đại diện Nhật Bản và Mexico trong lễ ký kết tại Chile. Ảnh: Reuters
Đại diện Nhật Bản và Mexico trong lễ ký kết tại Chile. Ảnh: Reuters

Sau nhiều năm đàm phán với hàng loạt thách thức, 11 quốc gia đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Chile. Các Bộ trưởng cam kết gửi hiệp định này về quốc hội trong vài tuần tới. Một số kỳ vọngt nó có thể được thực thi vào cuối năm. Để có hiệu lực, CPTPP cần được ít nhất 6 nước thành viên phê chuẩn.

Bloomberg đã đánh giá khả năng CPTPP được phê chuẩn tại từng quốc gia.

1. Nhật

Nhật hiện tại là nền kinh tế lớn nhất trong hiệp định. Nước này dự kiến thông qua CPTPP trước tháng 6, khi liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe vẫn đang chiếm đa số tại cả thượng viện và hạ viện. Trưởng đoàn đàm phán của Nhật - Kazuyoshi Umemoto hồi tháng 2 cho biết ông kỳ vọng hiệp định có hiệu lực nửa đầu năm sau.

2. Canada

Đảng của Thủ tướng Canada - Justin Trudeau hiện chiếm đa số trong quốc hội. Điều này có nghĩa họ có thể phê chuẩn CPTPP khá dễ dàng. Bên cạnh đó, Canada cũng không có cuộc bầu cử nào cho đến mùa thu năm sau. Thậm chí, kể cả khi có thay đổi, đối thủ chính của họ - Đảng Bảo thủ trước đây cũng đã chấp nhận TPP khi còn đang nắm quyền.

3. Australia

Dù chính phủ cho biết muốn CPTPP có hiệu lực sớm nhất có thể, họ cũng sẽ phải vượt qua vài thách thức. Sau lễ ký kết tại Chile, một bản phân tích về việc hiệp định này có phù hợp với lợi ích quốc gia hay không sẽ được trình lên quốc hội. Đảng cầm quyền hiện không chiếm đa số trong Thượng viện, còn đảng đối lập chính - Đảng Lao động lại có quan điểm hiệp định không có Mỹ thì nên bỏ.

4. Mexico

Thông qua CPTPP khi Thượng viện hiện tại còn nhiệm kỳ sẽ là một tín hiệu tích cực. Dù vậy, thời điểm còn tùy thuộc vào các nghị sĩ. Nhiệm kỳ kế tiếp của Thượng viện sẽ bắt đầu từ tháng 9. Các nghị sĩ mới sẽ được chọn thông qua cuộc bầu cử vào ngày 1/7.

5. Malaysia

Bộ trưởng Thương mại Mustapa Mohamed tuần này cho biết chính phủ sẽ không thể thay đổi kịp 18 điều luật như yêu cầu, để đưa hiệp định có hiệu lực đầu năm 2019. Vì vậy, họ sẽ không nằm trong nhóm nước đầu tiên phê chuẩn CPTPP.

6. Singapore

Dù không đưa ra thời gian cho việc phê chuẩn, Bộ trưởng Thương mại Lim Hng Kiang tuần trước cho biết thương mại tự do và mở cửa thị trường là điều thiết yếu với sự phát triển của họ. Singapore hiện có 21 FTA.

7. Chile

Tổng thống Michelle Bachelet sẽ hết nhiệm kỳ trong vài ngày tới. Dù vậy, người kế nhiệm bà - Sebastian Pinera là một tỷ phú luôn ủng hộ các chính sách thân thiện với doanh nghiệp. Vì vậy, ông khó có lý do trì hoãn việc phê chuẩn CPTPP.

8. Peru

Bộ Ngoại giao nước này đang phân tích CPTPP và sẽ quyết định liệu nó có cần thông qua Quốc hội hay không. Việc này sẽ cần thiết nếu họ cho rằng hiệp định có tác động lên chủ quyền quốc gia và nhân quyền, hoặc đòi hỏi bổ sung nhiều luật nữa. Còn nếu không, Tổng thống có thể ký phê chuẩn ngay.

9. New Zealand

Thỏa thuận này gặp ít trở ngại chính trị tại đây, do cả 2 đảng chính đều ủng hộ. Dù vậy, một hội đồng thuộc quốc hội vẫn sẽ xem xét CPTPP trước khi hiệp định này được phê chuẩn. Theo thông tin trên website Bộ Ngoại giao, nước này kỳ vọng CPTPP có hiệu lực trong vòng 12 - 18 tháng sau khi ký.

10. Việt Nam

Việc phê chuẩn CPTPP tại Việt Nam cũng được kỳ vọng thuận lợi. Dù vậy, thời điểm Quốc hội bỏ phiếu vẫn chưa được công bố.

Quốc vương Brunei có quyền lực khá lớn và có thể thông qua bất kỳ luật nào ông thấy cần thiết. Vì vậy, việc phê chuẩn cũng được kỳ vọng thuận lợi.

Chuyên đề