Kết nối kinh doanh giữa doanh nghiệp xây dựng Việt Nam và Nhật Bản

(BĐT) - Chiều 27/11, tại Hà Nội, Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải và du lịch Nhật Bản (MLIT) và Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) đã tổ chức buổi kết nối kinh doanh cho các công ty xây dựng Nhật Bản và Việt Nam.
Kết nối kinh doanh giữa doanh nghiệp xây dựng Việt Nam và Nhật Bản

Buổi kết nối kinh doanh này là sáng kiến của MLIT với việc dẫn Đoàn công tác gồm 17 doanh nghiệp xây dựng Nhật Bản sang gặp gỡ các doanh nghiệp (DN) thuộc VACC để tìm hiểu, kết nối cơ hội kinh doanh giữa 2 bên.

Phát biểu tại Buổi kết nối kinh doanh, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC chia sẻ câu chuyện về hợp tác giữa DN Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực xây dựng.

Chủ tịch VACC cho biết, cách đây 30 năm khi Việt Nam bắt đầu mở cửa, khi đó ông Nguyễn Quốc Hiệp đang làm việc tại một DN xây dựng lớn tại Việt Nam (Vinaconex 16). DN xây dựng này đã tính đến việc phải mở rộng hợp tác với các đối tác nước ngoài và đối tác nước ngoài đầu tiên nghĩ đến đó là các công ty Nhật Bản.

Thời gian đó, Vinaconex 16 đã tìm đến một DN xây dựng của Nhật Bản rất có uy tín khi đó là Taisei. Liên danh đầu tiên giữa Việt Nam và Nhật Bản (Liên danh Vinata) đã hình thành và công trình đầu tiên liên danh Taisei – Vinaconex 16 thực hiện là Dự án Xây dựng Công ty Xi măng Chính Phong Hải Phòng. Dự án này đã đánh dấu lại sự hợp tác thành công tốt đẹp của DN 2 quốc gia.

Từ sự hợp tác mở màn đó đến nay, các DN Việt Nam không ngừng phát triển, lớn mạnh. Nếu như 20 - 30 năm trước, các DN Việt Nam làm việc với các DN Nhật Bản phần lớn với tư cách nhà thầu phụ thì hiện nay, các DN Việt Nam đang có những bước phát triển vượt bậc.

Các công ty xây dựng đã trưởng thành nhanh chóng, có những DN Việt Nam đã đạt doanh thu tới 2 tỷ USD/năm, thi công được tòa nhà được đánh giá là cao thứ 10 trên thế giới (81 tầng) ở TP.HCM.

Không chỉ lớn mạnh về lực lượng, về trang thiết bị mà DN ngành xây dựng của Việt Nam cũng có những thay đổi về cơ chế sở hữu. Trước đây, các DN xây dựng mạnh đều là các DN có nguồn vốn của Nhà nước, do Nhà nước chi phối thì hiện nay, các DN mạnh nhất trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam lại thuộc sở hữu tư nhân. Đây là một trong những cơ chế thuận lợi cho việc hợp tác giữa DN xây dựng của 2 bên Nhật Bản – Việt Nam.

Ông Hiệp kỳ vọng, với sáng kiến của MLIT và phối hợp của VACC sẽ giúp kết nối kinh doanh thành công giữa DN 2 quốc gia. Đây sẽ là sự khởi đầu thực sự cho mối quan hệ hợp tác giữa 2 bên.

Thông tin về 17 DN Nhật Bản sang Việt Nam trong chuyến công tác lần này, ông Yoshimura, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, MLIT cho biết, những DN này đang sở hữu những công nghệ, kỹ thuật ưu việt trong lĩnh vực xây dựng tại Nhật Bản. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực xây dựng tại Nhật Bản thì đây là những DN đi tiên phong và cũng có nhiều thành quả tốt trong xây dựng tại Nhật Bản.

17 DN Nhật Bản mong muốn được chia sẻ công nghệ, kỹ thuật, bí quyết trong lĩnh vực xây dựng của mình với DN phía Việt Nam. Đây là những DN này đang có những dự định mở rộng phạm vi kinh doanh sang thị trường xây dựng Việt Nam, muốn đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam.

Chuyên đề