Ít nhất 222 người chết trong trận sóng thần ở Indonesia

Indonesia năm nay đã chứng kiến con số người chết vì thiên tai lớn nhất trong một thập kỷ...
Nằm giữa hai đảo Java và Sumatra, núi lửa Anak Krakatau đã phun tro bụi và nham thạch suốt nhiều tháng nay - Ảnh: Reuters.
Nằm giữa hai đảo Java và Sumatra, núi lửa Anak Krakatau đã phun tro bụi và nham thạch suốt nhiều tháng nay - Ảnh: Reuters.

Một trận sóng thần đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 222 người và làm hàng trăm người khác bị thương trên hai đảo Java và Sumatra của Indonesia. Thảm họa này xảy ra sau một trận lở đất dưới biển được cho là có nguyên nhân từ đợt phun trào của núi lửa Anak Krakatau.

Theo tin từ Reuters, gần như không có bất kỳ một dấu hiệu cảnh báo nào trước khi trận sóng thần ập đến vào đêm ngày thứ Bảy theo giờ địa phương. Hàng trăm ngôi nhà đã bị hư hỏng nặng, buộc hàng nghìn cư dân phải đi sơ tán. Đến buổi chiều ngày Chủ nhật, nhà chức trách cho biết số lượng người chết đã lên tới con số 222, 843 người bị thương và 28 người mất tích.

Nằm trên khu vực "Vành đai lửa" của Thái Bình Dương, Indonesia năm nay đã chứng kiến con số người chết vì thiên tai lớn nhất trong một thập kỷ. Trước trận sóng thần này, trận động đất san phẳng nhiều khu vực trên đảo du lịch Lombok vào tháng 7-8 và thảm họa kép động đất-sóng thần trên đảo Sulawesi vào tháng 9 đã khiến tổng cộng hơn 2.000 thiệt mạng.

Truyền thông Indonesia cho biết cư dân ở khu vực ven biển nói rằng họ không nhìn thấy hay cảm thấy dấu hiệu nào báo trước sắp có sóng thần vào đêm ngày thứ Bảy, chẳng hạn mức nước tụt xuống hay động đất. Thay vào đó, những con sóng lớn với độ cao 2-3 mét bất ngờ ập vào bờ.

Thời điểm xảy ra trận sóng thần này, ngay trước lễ Giáng sinh, khiến nhiều người nhớ đến trận sóng thần xảy ra sau một trận động đất trên Ấn Độ Dương hôm 26/12/2004 khiến 226.000 người ở 14 quốc gia thiệt mạng, trong đó có 120.000 người ở Indonesia.

Nhà chức trách cảnh báo cư dân và du khách tại các khu vực quanh eo biển Sunda tránh ra bãi biển và dự kiến duy trì cảnh báo sóng lớn cho tới ngày 25/12. Cơ quan chức năng hiện đang nỗ lực xác định nguyên nhân của thảm họa, đồng thời không loại trừ khả năng thảm họa có thể lặp lại. Số người chết được dự báo có thể còn tăng lên.

Tỉnh Banten thuộc phía Tây của Java, đảo đông dân nhất của Indonesia, là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận sóng thần này.

Nằm giữa hai đảo Java và Sumatra, núi lửa Anak Krakatau đã phun tro bụi và nham thạch suốt nhiều tháng nay. Ngọn núi lửa này tiếp tục phun trào vào lúc 9h tối ngày thứ Bảy, và sóng thần xảy ra nửa giờ đồng hồ sau đó, theo cơ quan chức năng.

Vào năm 1883, hàng loạt trận sóng thần đã xảy ra sau khi núi lửa Anak Krakatau phun trào, khiến hơn 36.000 người thiệt mạng.

Chuyên đề