Huy động trái phiếu quốc tế: Coi chừng tác dụng ngược!

Nhiều ngân hàng và doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã huy động được nguồn vốn lớn trên thị trường quốc tế thông qua phát hành trái phiếu.
Mục tiêu chính của các ngân hàng là tăng nguồn vốn dài hạn để tuân thủ các quy định hiện hành của Ngân hành Nhà nước. Ảnh minh họa Thành Hoa
Mục tiêu chính của các ngân hàng là tăng nguồn vốn dài hạn để tuân thủ các quy định hiện hành của Ngân hành Nhà nước. Ảnh minh họa Thành Hoa

Huy động hàng tỉ đô la qua trái phiếu quốc tế

Trong tháng 7-2019, VPBank đã huy động được 300 triệu đô la Mỹ thông qua phát hành trái phiếu quốc tế, dự kiến ngân hàng này sẽ tiếp tục huy động 700 triệu đô la trong những tháng còn lại của năm. Con số mà SHB muốn huy động là khoảng 1 tỉ đô la, tương đương với VPBank. Trong khi đó, TPBank dự kiến huy động khoảng 200 triệu đô la. Như vậy, nếu phát hành thành công thì tổng số tiền mà ba ngân hàng này huy động lên tới 2,2 tỉ đô la Mỹ. Và có lẽ, sẽ có thêm một số ngân hàng nhảy vào cuộc đua trong thời gian tới.

Bên cạnh các ngân hàng thì một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng đã và đang lên kế hoạch huy động vốn trên thị trường quốc tế thông qua các khoản vay thương mại cũng như phát hành trái phiếu. Đó là trường hợp của Novaland, PVGas hay Trường Hải...

Huy động để làm gì?

Nhìn bề ngoài, có ý kiến cho rằng các ngân hàng này huy động đô la Mỹ từ thị trường quốc tế để cho các doanh nghiệp trong nước vay. Nhận định này tỏ ra có cơ sở khi mặt bằng lãi suất đô la Mỹ trên toàn cầu đang có xu hướng giảm, trong khi tại Việt Nam lãi suất huy động lại có dấu hiệu tăng.

Tuy nhiên, câu chuyện thực chất bên trong có lẽ không chỉ đơn giản như vậy. Bởi lẽ, các ngân hàng đều đang muốn huy động đô la với kỳ hạn từ 3-5 năm. Đây là một khoảng thời gian rất dài và rủi ro biến động tỷ giá tại Việt Nam là không nhỏ. Chưa kể mức lãi suất 6,25%/năm mà VPBank đang huy động cũng không hề thấp.

Vậy nguyên nhân thực chất bên trong là gì?

Thứ nhất, có thể các ngân hàng đang muốn cải thiện chỉ số nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Đó là trường hợp của VPBank và SHB khi trái phiếu của hai ngân hàng này chỉ có kỳ hạn ba năm. Việc huy động kỳ hạn trên một năm bằng tiền đồng trong nước hiện nay rất khó khăn, trong khi cơ cấu cho vay chủ yếu của các ngân hàng hiện nay vẫn là trung và dài hạn.

Thứ hai, các ngân hàng muốn cải thiện hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR). Đây có lẽ là mục tiêu của TPBank khi mà ngân hàng này phát hành trái phiếu với kỳ hạn lên tới năm năm. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chỉ có các khoản tiền với kỳ hạn trên năm năm mới được tính vào nguồn vốn tự có của các ngân hàng.

Còn đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu quốc tế, khối lượng tiền huy động lớn chính là rào cản để họ có thể huy động từ các ngân hàng trong nước.

Coi chừng tác dụng ngược

Như đã phân tích thì khả năng cao là mục tiêu của các ngân hàng không phải là huy động đô la về để cho các doanh nghiệp trong nước vay lại. Với mức lãi suất suất 6,25%/năm, cùng với biên lợi nhuận (margin) khoảng 3%, ít doanh nghiệp nào tại Việt Nam có thể chịu được mức lãi suất đi vay lên tới 9-10%/năm. Mục tiêu chính của các ngân hàng là tăng nguồn vốn dài hạn để tuân thủ các quy định hiện hành của NHNN. Do đó, dường như chắc chắn số đô la huy động sẽ được các ngân hàng chuyển thành tiền đồng.

Có hai cách các ngân hàng có thể chuyển đô la sang tiền đồng. Thứ nhất là bán lại ngay (spot) ra thị trường hoặc cho NHNN. Tuy nhiên, các ngân hàng rất khó có thể làm được như vậy trong một thời gian ngắn vì số đô la rất lớn, vượt quá trạng thái của các ngân hàng. Ngoài ra, như đã chỉ ra ở trên, nếu làm vậy thì các ngân hàng sẽ phải chịu rủi ro biến động tỷ giá trong khoảng thời gian 3-5 năm.

Thứ hai, các ngân hàng sẽ tìm đến nghiệp vụ hoán đổi tiền tệ (swap). Theo đó, các ngân hàng sẽ giao đô la vào thời điểm hiện tại để đổi lấy tiền đồng và sẽ nhận lại đô la sau 3-5 năm. Tuy nhiên, các ngân hàng sẽ phải chịu chi phí bảo hiểm rủi ro tỷ giá (hedging), hiện nay vào khoảng 2%/năm. Như vậy, các ngân hàng đã chuyển các khoản vay bằng đô la với lãi suất 6,25%/năm thành huy động tiền đồng với chi phí khoảng 8,25%/năm (6,25% + 2%). Đây là mức lãi suất khá hợp lý trong bối cảnh hiện nay, bởi nhiều ngân hàng còn đang phải huy động với lãi suất cao hơn tại thị trường trong nước.

Mặc dù vậy, toàn hệ thống sẽ chịu áp lực rất lớn khi mà cả cung về đô la Mỹ và cầu về tiền đồng đều tăng ở mức rất cao trong khoảng thời gian ngắn. Cầu về tiền đồng tăng sẽ khiến cho lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng cao, từ đó sẽ gây áp lực về lãi suất huy động trên thị trường 1 (thị trường với dân cư và tổ chức kinh tế) của các ngân hàng.

Diễn biến này nếu xảy ra sẽ đi ngược hoàn toàn với xu hướng chung trên toàn cầu hiện nay. Chi phí lãi suất tăng sẽ khiến sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất kém cạnh tranh so với hàng nhập khẩu. Từ đó, tăng trưởng kinh tế có thể bị tác động ở một mức nào đó từ xu hướng trên của các ngân hàng.

Chuyên đề