Hơn 1.000 căn hộ tái định cư Hà Nội bỏ trống: Trách nhiệm thuộc về ai?

Trong khi nhiều người dân thu nhập thấp chưa có nhà ở do thiếu dự án nhà ở xã hôi, thì trên địa bàn TP. Hà Nội đang có hơn 1.000 căn hộ tái định cư đang bỏ trống.
Địa bàn Hà Nội hiện có 166 nhà tái định cư, với 14.211 căn hộ.
Địa bàn Hà Nội hiện có 166 nhà tái định cư, với 14.211 căn hộ.

Báo cáo trước đoàn giám sát của Ban Đô thị HĐND TP. Hà Nội mới đây, lãnh đạo Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cho biết, đơn vị này tiếp nhận quản lý 166 nhà tái định cư với tổng số 14.211 căn hộ.

Số căn hộ đã trả tiền mua nhà, bố trí tái định cư là 13.111 căn, còn lại 724 căn đã bố trí tái định cư phục vụ dự án giải phóng mặt bằng có quyết định của UBND Thành phố, nhưng người dân chưa đến làm thủ tục. Ngoài ra, còn có có 376 căn hộ chưa bố trí tái định cư, dẫn đến tình trạng gây lãng phí quá lớn.

Giải trình trước đoàn giám sát, đại diện Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội thừa nhận, 376 căn hộ còn trống nằm rải rác ở nhiều tòa nhà, có những tòa nhà tiếp nhận từ năm 2003, nhưng số lượng tập trung chủ yếu ở các tòa nhà mới tiếp nhận như khu vực Linh Đàm, Phú Thượng.

Vị này cho rằng, trách nhiệm của doanh nghiệp là thực hiện bán nhà tái định cư theo quyết định của UBND Thành phố. Khi có quyết định, Công ty thực hiện theo đúng quy trình được giao. Số lượng những căn hộ trống là để dự trữ cho dự án đang thực hiện giải phóng mặt bằng nhưng chưa thực hiện được.

Về 185 căn hộ cho thuê sử dụng, đại diện Công ty cho biết, số căn hộ này là những căn tạm cư để phục vụ các dự án đầu tư, cải tạo xây dựng lại một số chung cư nguy hiểm của Thành phố như C1 Thành Công hiện đang tạm cư 110 căn tại N06 Dịch Vọng. Dự án này bị chậm mấy năm nay và các hộ dân vẫn đang tạm cư ở đây. Ngoài ra, còn nhiều dự án khác cũng tạm cư ở một số tòa nhà nữa.

Về hơn 724 căn hộ có quyết định rồi người dân chưa đến nhận, đại diện Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội giải thích, thực tế đã có 279 căn người dân đã đến ở nhưng doanh nghiệp chưa ký hợp đồng và cũng chưa nhận được tiền. Số còn lại rất khó để thông báo người dân đến thực hiện việc ký hợp đồng, vì sau giải phóng mặt bằng không biết địa chỉ cụ thể của họ.

Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Thắng, Giám đốc Xí nghiệp quản lý Dịch vụ và Khai thác đô thị, Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội cho biết, số lượng các căn hộ tái định cư trống hiện nay vẫn chưa có đối tượng để bố trí sử dụng và Công ty cũng không biết được đối tượng nào sẽ được bố trí các căn hộ này. Việc bố trí cho đối tượng nào, chỉ có Sở Xây dựng mới biết. Còn các căn hộ cho thuê, Xí nghiệp vẫn ký hợp đồng và nộp ngân sách.

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, luật sư Đặng Văn Sơn, Trưởng Văn phòng luật sư Đặng Sơn và Cộng Sự (Đoàn Luật sư Hà Nội) chia sẻ, căn hộ tái định cư là phục vụ cho những trường hợp phải di dời và có nhu cầu cấp thiết về nhà ở, nhưng thự tế lại có nhiều căn bị để trống và được rao bán. Để xảy ra tình trạng này, xuất phát từ việc cấp xét căn hộ tái định cư đang có vấn đề và thiếu minh bạch.

“Trách nhiệm này là do chính quyền các cấp và đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, từ việc xem xét, quyết định tiêu chuẩn của tái định cư, đặc biệt là cấp quận, huyện, là cấp trực tiếp nhưng không làm tốt công tác rà soát, phê duyệt, nên dẫn ra tình trạng trên”, luật sư Sơn nhấn mạnh.

Ở một góc nhìn khác, TS. Luật Trương Vĩnh Khang cũng nhận định, việc xây dựng các căn hộ tái định cư để chờ cho việc di dân các dự án cần tái định cư là hoàn toàn phù hợp và nhiều nước trên thế giới cũng thực hiện như thế.

Tuy nhiên, việc để tình trạng bỏ trống quá nhiều, không sử dụng đến trong thời gian dài thì cần xem xét lại cách quản lý, triển khai, đơn cử như việc thiết kế thi công. Không ai lại xây nhà tái định cư cả chục tầng, nhưng lại đi cầu thang bộ. Hay thiết kế căn hộ chưa hợp lý, chưa phù hợp với sự phát triển, nên người dân có nhận cũng không muốn về ở.

Chuyên đề