Khẩn trương triển khai thực hiện ngay các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là với các đối tượng đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Ảnh: Huấn Anh |
Doanh nghiệp chồng chất khó khăn
Tác động nghiêm trọng của Covid-19 được phản ánh rõ nét trong số liệu thống kê quý I của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các DN - trụ cột của nền kinh tế - chịu tác động mạnh với gần 35.000 DN rút lui khỏi thị trường. Tính từ ngày 1/1 đến 26/3, hơn 153.000 người đã mất việc làm, phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và hàng triệu lao động bị ngừng việc.
Nhiều khảo sát cho thấy, nếu đại dịch kéo dài thì tác động đến khu vực DN là rất nghiêm trọng. Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ với trên 1.200 DN về ảnh hưởng của Covid-19 tới hoạt động kinh doanh, nếu dịch Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% số DN được khảo sát có thể sẽ phá sản. Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, phức tạp, khoảng 30% số DN duy trì được hoạt động không quá 3 tháng, 50% số DN chỉ trụ được nửa năm. Còn theo Báo cáo của Trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) đánh giá tác động của dịch Covid-19, nếu dịch kéo dài đến hết tháng 6, tháng 9 hoặc hết năm 2020, tỷ lệ DN phá sản sẽ lần lượt là 6,1%, 19,3% và 39,3%.
Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng vừa công bố, Chỉ số đo lường môi trường kinh doanh (BCI) của Việt Nam trong quý I/2020 đã lao xuống mức 26% - mức thấp nhất từ năm 2010, phản ánh nhận định tiêu cực về điều kiện hoạt động của DN.
Về khó khăn lớn của DN do tác động của dịch bệnh, theo VCCI, gần 85% số DN được khảo sát cho biết thị trường tiêu thụ bị thu hẹp; 60% DN thiếu vốn và đứt dòng tiền kinh doanh. Về loại chi phí đang là gánh nặng lớn nhất của DN, kết quả khảo sát của NEU đối với hơn 500 DN cho thấy, 34,5% số DN lựa chọn chi phí nhân công lao động; 25% lựa chọn khoản chi trả lãi vay ngân hàng; 20,6% chọn chi phí hoạt động thường xuyên và 17,9% cho biết chịu áp lực lớn về chi phí thuê mặt bằng.
Kỳ vọng sự hỗ trợ kịp thời
Chủ tịch EuroCham Nicolas Audie đánh giá: "Nếu không có những hành động nhanh chóng và quyết đoán của Chính phủ, chắc chắn tình hình sẽ trở nên tồi tệ. Những biện pháp đó sẽ giúp cung cấp một huyết mạch cho các DN và công nhân của họ vượt qua thời gian khó khăn này".
Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh vẫn đang phức tạp, chưa biết điểm dừng, các chính sách giãn cách xã hội, kiểm soát dịch bệnh được cho là cần thiết nhưng cũng khiến DN khó khăn, kiệt quệ hơn. Nhiều DN kỳ vọng có thêm sự hỗ trợ.
Hiện nay, gói hỗ trợ tài khoá 180.000 tỷ đồng được Bộ Tài chính đề xuất mới hướng tới giãn thuế và tiền thuê đất trong 5 tháng. Các kết quả khảo sát của các tổ chức trên cho thấy, đa số DN đề xuất miễn, giảm thuế ở chừng mực nhất định thay vì chỉ giãn, tạm hoãn; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các khoản nợ, không đưa vào danh sách nợ xấu...
Nhiều DN kiến nghị miễn, giảm thêm thuế giá trị gia tăng, do thuế này nằm trong giá bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, nên dù có thua lỗ nhưng cứ có phát sinh doanh thu bán hàng, cung ứng dịch vụ là sẽ phát sinh tiền thuế. Liên quan đến logistics, Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội kiến nghị giảm phí BOT để hỗ trợ DN vận tải.
NEU khuyến nghị, các chính sách đặc biệt quan tâm đến những khu vực dễ bị tổn thương như người lao động, các DN nhỏ và vừa trong ngắn hạn, nhưng đồng thời cũng cần tránh sự đổ vỡ của các DN lớn, đầu tàu để từ đó lan sang các khu vực khác. Ngoài ra, với sự thay đổi của tâm dịch từ Trung Quốc sang các nước châu Âu, Mỹ và lan rộng sang các khu vực khác, tác động đến nền kinh tế Việt Nam sẽ mạnh hơn và thay đổi về cơ chế tác động từ phía đứt gãy nguồn cung ứng đầu vào sang chủ yếu là phía cầu. Nên có các quỹ hỗ trợ thu mua hoặc hỗ trợ xuất khẩu, có DN lớn thu gom dự trữ theo gói hỗ trợ của Chính phủ để ổn định cung cầu, vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa giúp cho lợi thế cạnh tranh của Việt Nam được duy trì bền vững.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright nêu quan điểm, chính sách tiền tệ quan trọng nhất lúc này, hơn cả giảm lãi suất, là đảm bảo tính thanh khoản cho hệ thống ngân hàng thương mại, qua đó hỗ trợ thanh khoản cho DN chịu tác động bởi dịch.
Trên hết, các ý kiến nhấn mạnh, quan trọng nhất là phải khẩn trương triển khai thực hiện ngay các chính sách, đặc biệt là với các đối tượng đang chịu ảnh hưởng nặng nề, khi đó hiệu lực và hiệu quả của chính sách mới đạt được.