Hỗ trợ đúng doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số ngành kinh tế đang chịu tác động nặng nề từ dịch Covid-19 trong khi một số nhóm ngành khác có mức độ tổn thất ít hơn, thậm chí có doanh nghiệp tận dụng được cơ hội kinh doanh trong đại dịch. Do đó, giải pháp riêng cho các nhóm ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực là cần thiết, song vẫn phải cân nhắc tính hiệu quả và giám sát thực thi.
Bị tác động mạnh của Covid-19, nhóm ngành du lịch - giải trí và nhóm dầu khí ghi nhận mức sụt giảm lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm lần lượt là 363% và 223%. Ảnh: Lê Tiên
Bị tác động mạnh của Covid-19, nhóm ngành du lịch - giải trí và nhóm dầu khí ghi nhận mức sụt giảm lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm lần lượt là 363% và 223%. Ảnh: Lê Tiên

Một số doanh nghiệp lỗ nặng

Đến thời điểm hiện nay, những tổn thất từ dịch Covid-19 với các doanh nghiệp Việt Nam đã hiển hiện rõ nét trong báo cáo tài chính quý II của khá nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán. Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta ghi nhận kết quả kinh doanh quý II của 831 doanh nghiệp cho thấy, có 685 doanh nghiệp báo lãi với 366 doanh nghiệp tăng lãi và 319 doanh nghiệp giảm lãi; 146 doanh nghiệp báo lỗ. Kết quả lợi nhuận chung của các doanh nghiệp là giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về nhóm ngành doanh nghiệp, Báo cáo chiến lược đầu tư tháng 8 vừa được Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tổng hợp từ kết quả kinh doanh quý II của hơn 550 doanh nghiệp đại diện cho 91% vốn hóa của 2 sàn chứng khoán niêm yết là HOSE và HNX cho thấy có một số nhóm ngành chịu tác động mạnh nhất.

Cụ thể, nhóm ngành du lịch - giải trí và nhóm dầu khí ghi nhận mức sụt giảm lợi nhuận sau thuế 6 tháng lần lượt là 363% và 223%. Trong đó, Petrolimex từ mức lãi gần 2,4 nghìn tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019 chuyển sang lỗ 1,2 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay. Vietnam Airlines là doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề khi lợi nhuận sau thuế 6 tháng âm 6.642 tỷ đồng.

Trong khi đó, các nhóm ngành gồm truyền thông, ô tô và phụ tùng, tài nguyên cơ bản và công nghệ thông tin là các nhóm ngành có kết quả kinh doanh khá tích cực. Tuy nhiên, đa phần những ngành này bị chi phối bởi một vài cái tên lớn. Vì thế, kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp này không phản ánh đúng thực trạng của ngành đó.

Với những tổn thất nặng nề do dịch Covid-19, đã có doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ các giải pháp để vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay và khôi phục sản xuất kinh doanh. Cụ thể, Vietnam Airlines đang đề xuất hỗ trợ để được vay 4.000 tỷ đồng và tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng. Một số công ty du lịch đã đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đến hết năm 2020, tiếp tục kéo dài và tăng mức giảm các loại chi phí điện, nước, viễn thông, giảm lãi vay ngân hàng, gia hạn nợ, ưu đãi cho các khoản vay mới và các gói hỗ trợ của Chính phủ.

Phân bổ hiệu quả, minh bạch thực thi

Theo PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, việc đề xuất các gói hỗ trợ riêng cho một số ngành kinh tế chịu tổn thất nặng nề do dịch Covid-19 là cần thiết và hợp lý trong giai đoạn hiện nay, song cần căn cứ trên đề xuất của các nhóm doanh nghiệp, các đánh giá độc lập và đúng thực trạng, điểm nghẽn của từng ngành để có các biện pháp gỡ khó hiệu quả.

“Nên có các tiêu chí chuẩn về quy mô, ngành nghề và chọn lựa thời điểm phù hợp để áp dụng. Chẳng hạn, trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi ngành du lịch phục hồi nhanh là không khả thi, do đó cách tiếp cận gỡ khó cho doanh nghiệp cũng phải cân nhắc mức độ hỗ trợ theo thời điểm”, ông Long nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam phân tích: “Thời gian qua, có những doanh nghiệp chịu tác động rất nặng nề nhưng cũng có những doanh nghiệp chịu tác động không đáng kể, thậm chí có doanh nghiệp tóm được một số cơ hội kinh doanh tốt từ quá trình này. Do đó, cách thức hỗ trợ cũng cần phân loại và đúng trọng tâm. Thực tế thấy rõ là ngành du lịch và vận tải, đặc biệt vận tải hàng không đang chật vật nhất, tiếp đó là những ngành dịch vụ khác. Đó cũng là những lĩnh vực xương sống của nền kinh tế, nên cần hỗ trợ sớm và hiệu quả để tránh tổn thương lâu dài”.

Về cách thức thực hiện, theo ông Bình, cần tuân thủ nguyên tắc phân bổ hiệu quả, công khai - minh bạch và trách nhiệm hoàn trả. “Chính sách nên được xây dựng trên cơ sở đánh giá đúng mức độ cần thiết và cân đối nguồn lực. Quá trình thực thi phải có sự giám sát từ các cấp, ngành, người dân. Đối tượng thụ hưởng phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ hoàn trả (chẳng hạn, hoàn trả đúng tiến độ các khoản vay ưu đãi sau khi hồi phục, thực hiện đúng cam kết về các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước)”, ông Bình nhấn mạnh.

Chuyên đề