Hỗ trợ DN vừa và nhỏ từ kinh nghiệm APEC

Kinh nghiệm của nhiều nước trong APEC cho thấy không nên chuyển các lợi ích trực tiếp đến các DN nhỏ và vừa mà cung cấp các dịch vụ để hỗ trợ họ có cơ hội tiếp cận các nguồn lực, tiếp cận thị trường.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Là một sự kiện quan trọng của năm APEC 2017, Hội nghị Bộ trưởng về DN nhỏ và vừa APEC lần thứ 24 đã khai mạc ngày 10/9 và kết thúc ngày 15/9.

Sự kiện thu hút khoảng 200 đại biểu là đại diện DN và các nền kinh tế APEC. Với rất nhiều thông tin được chia sẻ, Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT), ông Hồ Sỹ Hùng cho biết, đây là cơ hội để DN nhỏ và vừa Việt Nam tiếp cận thị trường và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bộ KH&ĐT cho biết, mặc dù chiếm đến hơn 97% về số lượng, nhưng DN nhỏ và vừa chiếm chưa đến 40% tổng tài sản; trong khi các DN quy mô lớn chiếm chưa đến 3% nhưng nắm giữ đến 60% tổng tài sản của toàn bộ khối DN.

Khối DN nhỏ và vừa đóng góp trên 40% GDP, thu hút hơn 50% tổng số lao động và chiếm 17,26% tổng nộp ngân sách nhà nước. Cho đến nay, số lượng DN nhỏ và vừa thành lập vẫn có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, lâu nay, khối DN này chưa có được sự hỗ trợ đúng mức để đạt được sự phát triển tối ưu.

Cụ thể, hơn 80% chính sách, chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa không có đánh giá kết quả hỗ trợ và tác động. Một số chương trình mới dừng ở mức ước tính tỷ lệ DN nhỏ và vừa có thể tham gia, thậm chí có chương trình không thể đánh giá được mức độ tham gia của các DN...

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho biết, DN nhỏ và vừa đang rất cần vốn, nhất là các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Ông Lê Văn Khương, Trưởng phòng Phát triển DN nhỏ và vừa (Cục Phát triển DN) cho biết, dù Việt Nam có tới gần 300 khu công nghiệp được thành lập, nhưng các DN nhỏ và vừa vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó là những trở ngại về môi trường kinh doanh chưa minh bạch, thiếu mặt bằng sản xuất kinh doanh, nguồn nhân lực chất lượng chưa cao, trình độ quản lý còn hạn chế. Rào cản lớn nhất đối với DN nhỏ và vừa hiện nay là thiếu vốn để khởi nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.

Những yêu cầu khách quan và chủ quan trong thực hiện hỗ trợ DN nhỏ và vừa cho thấy cần có những đổi mới trong chính sách cũng như phương thức trợ giúp phát triển nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XII, về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã thể hiện chủ trương nhất quán về phát triển kinh tế tư nhân.

Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 được kỳ vọng sẽ tạo sự chuyển biến trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nền kinh tế tự chủ trong thời gian tới.

Với những nhu cầu cấp thiết đối với khối DN nhỏ và vừa, Tuần lễ Hội nghị Bộ trưởng về DN nhỏ và vừa APEC năm 2017 sắp diễn ra vào ngày 10-15/9 tại TPHCM sẽ đóng góp vào các hoạt động phong phú, đa dạng của năm APEC 2017 được tổ chức tại Việt Nam.

Đồng thời, qua đó, sẽ mang lại nhiều cơ hội để trao đổi, thảo luận, đưa ra những ý tưởng hợp tác hiệu quả trong khuôn khổ APEC giúp nâng cao năng lực hội nhập của các địa phương và DN, góp phần quảng bá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế sâu rộng đang diễn ra.

Hội nghị Bộ trưởng về DN nhỏ và vừa lần này có ba chủ đề chính: Tạo thuận lợi cho các DN tiếp cận thị trường, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu; Thuận lợi hóa môi trường kinh doanh cho các DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ thông qua tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận công nghệ, trình độ quản lý, hỗ trợ nâng cao năng lực qua đào tạo, tư vấn và kết nối kinh doanh; Đẩy mạnh tinh thần kinh doanh APEC trong kỷ nguyên số: thúc đẩy DN khởi nghiệp và tăng cường đạo đức kinh doanh.

Dự kiến các đại biểu sẽ thông qua các văn kiện chính như tuyên bố APEC về thúc đẩy DN khởi nghiệp; Chiến lược thúc đẩy DN nhỏ và vừa xanh, bền vững và sáng tạo; Báo cáo kiến nghị của Hội nghị Bộ trưởng tới Hội nghị các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC 2017.

Chuyên đề