Hiệu quả thanh toán điện tử chưa tương xứng với tiềm năng

BĐT- Thanh toán điện tử là phương thức thanh toán hiện đại và khá phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại sao ở Việt Nam, phương thức thanh toán này vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ công?
Chính phủ cần ban hành chính sách ưu đãi thuế giá trị gia tăng cho hàng hoá và dịch vụ mua sắm trực tuyến được thanh toán điện tử. Ảnh: Trần Nam
Chính phủ cần ban hành chính sách ưu đãi thuế giá trị gia tăng cho hàng hoá và dịch vụ mua sắm trực tuyến được thanh toán điện tử. Ảnh: Trần Nam

Đây là nội dung được tập trung thảo luận tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015 do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Báo Vnexpress và Công ty CP Chuyển mạch tài chính quốc gia Việt Nam (Banknetvn) đồng tổ chức ngày 16/12, tại Hà Nội.

Vì sao chưa phát triển tương xứng với tiềm năng?

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu vấn đề: “Cả thế giới họ đã làm rồi. Ở những quốc gia phát triển, thanh toán điện tử chiếm tới 90% tổng thanh toán, góp phần tăng GDP khoảng 1%. Thế nhưng, ở Việt Nam, mặc dù giao dịch qua mạng hàng năm đều tăng rất lớn, song thanh toán tiền mặt vẫn chiếm tỷ lệ đa số, với khoảng 65% tổng phương tiện thanh toán”.

Ông Nguyễn Toàn Thắng – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam hơn 3 tỷ USD nhưng thanh toán điện tử mới chiếm 5% giá trị mua sắm hàng hoá dịch vụ.

Về nguyên nhân của thực trạng này, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định: “Nguyên nhân chủ yếu của hạn chế trên là do thói quen sử dụng tiền mặt; thiếu lòng tin do lo ngại rủi ro khi sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử; hiệu lực của chính sách đối với thực tế triển khai còn thấp; phí đối với các giao dịch thẻ tại POS vẫn còn là trở ngại; thương mại điện tử và thanh toán điện tử tại Việt Nam còn mang tính nửa vời…”.

Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết thêm, hiện nay, mỗi địa phương, kho bạc nhà nước chỉ mở một tài khoản thu ngân sách tại một ngân hàng thương mại. Việc chuyển tiền này sẽ rất hạn chế nếu kết nối giữa hai ngân hàng chưa tốt hoặc rất phiền phức nếu doanh nghiệp ghi sai thông tin của đơn vị nhận tiền trên hệ thống.

Tăng tính kết nối liên thông giữa các hệ thống dữ liệu

Để nâng cao được tỷ lệ thanh toán trực tuyến trong thương mại điện tử, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng: “Không chỉ bắt đầu bằng giải pháp công nghệ, giảm phí dịch vụ mà còn bắt đầu bằng việc tuyên truyền để người dân hiểu và quen. Làm thế nào để thói quen tốt đó diễn ra nhanh hơn.”

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, trước tiên là phải có sự đồng bộ, kết nối liên thông giữa hệ thống thông tin dữ liệu của các cơ quan liên quan như: Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước và hệ thống thanh toán của các ngân hàng. Do đó, yêu cầu đặt ra là cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các bên để hỗ trợ doanh nghiệp sau khi đăng ký có thể nộp thuế điện tử dễ dàng, thuận tiện hơn.

 Doanh nghiệp luôn mong tối đa hóa nguồn vốn của mình cho hoạt động kinh doanh, nên thường phải đến hạn cuối cùng mới nộp thuếÔng Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khuyến nghị: “Từ việc đăng ký đến thực hiện nộp là một quãng đường còn dài, bởi số chứng từ nộp thuế và số tiền nộp ngân sách bằng phương thức điện tử còn thấp. Để hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt tối thiểu 90%, tôi cho rằng, chúng ta cần những giải pháp tháo gỡ vướng mắc liên quan đến hệ thống pháp luật chung, cùng sự phối hợp đồng bộ từ cơ quan thuế đến các đơn vị bổ trợ như ngân hàng, trung gian thanh toán và doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp kiến nghị ngành thuế cần cải tiến phần mềm hệ thống kê khai để thao tác dễ dàng hơn”.

“Doanh nghiệp luôn mong tối đa hóa nguồn vốn của mình cho hoạt động kinh doanh, nên thường phải đến hạn cuối cùng mới nộp thuế, gây tắc nghẽn vào những ngày áp chót. Do đó, hạ tầng công nghệ thông tin đóng vai trò hết sức quan trọng. Chính phủ cần chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn tham gia xây dựng, vận hành hệ thống thông tin để nâng cấp đường truyền, đảm bảo kê khai, nộp thuế được nhanh chóng, thông suốt. Bản thân doanh nghiệp cũng cần nâng cao trình độ công nghệ thông tin”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan đề xuất: Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển thanh toán điện tử. Đồng thời, ban hành các chính sách ưu đãi hoạt động thanh toán điện tử. Các ngân hàng và các nhà bán lẻ cần hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau để có các giải pháp thanh toán điện tử hỗ trợ cho các nhà bán lẻ ở các phân khúc khác nhau.

Một số chuyên gia kiến nghị, Chính phủ cần ban hành chính sách khuyến khích và ưu đãi thuế giá trị gia tăng cho hàng hoá và dịch vụ mua sắm trực tuyến được thanh toán điện tử; chính sách khuyến khích và lộ trình kết nối với các cổng thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép và cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến cho khách mua hàng hoá, dịch vụ; xây dựng và ban hành các quy định, tiêu chuẩn thống nhất về thanh toán điện tử và tiền điện tử áp dụng chung cho các lĩnh vực kinh tế…

Chuyên đề