Hiểm họa khủng bố kiểu "sói đơn độc" đe dọa Đông Nam Á

Mối hiểm họa khủng bố từ các vụ tấn công kiểu “sói đơn độc” đang gia tăng tại Đông Nam Á, sau khi những kẻ ủng hộ phiến quân IS bị xúi giục phát động các cuộc tấn công tại đất nước sở tại của chúng. Các vụ tấn công liên tiếp như vậy đã gây rúng động châu Âu mới đây.
Hiện trường vụ tấn công khủng bố tại Thụy Điển hôm 7/4 (Ảnh: AFP)
Hiện trường vụ tấn công khủng bố tại Thụy Điển hôm 7/4 (Ảnh: AFP)

Channel News Asia nhận định nhân tố chính trong nguy cơ ngày càng gia tăng là nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đang bị mất dần phần đất kiểm soát tại Syria và Iraq, khiến một số tay súng gốc Đông Nam Á phải hồi hương. Cùng lúc đó, các phần tử cực đoan trong khu vực định tới Trung Đông để chiến đấu cho IS thấy rằng việc này trở nên khó khăn hơn, buộc chúng phải tìm cách để tiến hành các cuộc tấn công ở gần nhà hơn.

“Giờ đây rất khó để những kẻ ủng hộ IS tới Syria. Chúng ta đang chứng kiến ngày càng có nhiều các vụ tấn công kiểu sói đơn độc khi IS kêu gọi những kẻ ủng hộ tiến hành các cuộc tấn công ở ngay đất nước mình nếu không thể đến Syria”, ông Ayob Khan Mydin Pitchay, người đứng đầu cơ quan chống khủng bố của Malaysia, cho hay.

Đã xảy ra một loạt các vụ tấn công kiểu sói đơn độc gây chết nhiều người tại châu Âu và Mỹ. Chỉ tháng trước, 4 người đã thiệt mạng tại London khi tên Khalid Masood, kẻ trước đó đã bị các lực lượng an ninh điều tra, lao xe ô tô vào những người đi bộ trên cầu Westminster trước khi đâm chết một cảnh sát ngay bên ngoài tòa nhà quốc hội Anh. Tuần vừa qua, 4 người cũng bị sát hại tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển khi một người đàn ông lao xe tải vào đám đông dọc một con phố mua sắm.

Mặc dù các vụ việc trên gây rúng động toàn cầu nhưng các vụ tấn công gần tương tự cũng xảy ra tại khu vực Đông Nam Á.

Tại Indonesia, một người đàn ông 21 tuổi thất nghiệp đã tấn công 2 cảnh sát tại một chốt kiểm soát an ninh ở Tangerang, mang theo dao và bom ống hồi tháng 10 năm ngoái. Tháng 8/2016, một mục sư đã bị một người đàn ông dùng dao đâm chết trong lễ cầu nguyện tại Medan trên đảo Sumatra. Tháng 7/2016, một đánh bom liều chết đơn độc đã kích hoạt thuốc nổ bên ngoài một đồn cảnh sát tại Solo, Trung Java. Tất cả 3 vụ tấn công này đều được cảnh sát Indonesia xác định là kiểu sói đơn độc.

Ông Ayob nhận định các vụ tấn công tương tự có thể gia tăng tại khu vực Đông Nam Á và chỉ ra rằng Malaysia đã ngăn chặn 3 vụ tấn công sói đơn độc kể từ năm 2013, nơi dao thường được sử dụng làm vũ khí tấn công.

Vào năm 2014, Abu Muhammad al-Adnani, kẻ tự xưng là phát ngôn viên của IS và hiện đã chết, đã kêu gọi các vụ tấn công chống lại phương Tây, sử dụng, dao, các phương tiện, chất độc và các vũ khí khác.

Theo ông Ayob, hiện có 57 người Malaysia tại Syria, 17 trong số đó là trẻ em. Cho tới nay, 294 kẻ bị tình nghi là IS đã bị bắt kể từ năm 2013, trong đó có 15 binh sĩ và 4 cảnh sát. 132 người trong số đó đã bị truy tố.

Thủ đoạn tấn công công nghệ thấp

Chuyên gia chống khủng bố Kumar Ramakrishna, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chính sách tại Trường nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam ở Singapore, cho hay thách thức để các lực lượng an ninh khu vực ngăn chặn “những con sói đơn độc” tấn công là các cuộc tấn công như vậy có thể tự phát và ít được lên kế hoạch.

“Những kẻ khủng bố sói đơn độc có ít dấu vết để các cơ quan thực thi pháp luật bắt giữ vì ít cá nhân liên quan”, Giáo sư Kumar nói.

“Các nhánh có tổ chức phải phối hợp và liên lạc giữa vài cá nhân và luân chuyển người và thiết bị qua lại, và ở một thời điểm nào đó, các tổ chức tình báo có thể phát hiện ra chúng. Nhưng các vụ tấn công sói đơn độc thường khó phát hiện, vì vậy bất kỳ quốc gia nào có vấn đề về Hồi giáo cực đoan đều có nguy cơ bị tấn công”, ông Kumar nói thêm.

Một vấn đề nữa đối với các lực lượng an ninh là nỗ lực tiếp tục chiêu mộ của Katibah Nusantara, một nhánh của IS tại Đông Nam Á. Nhánh này vẫn đang tích cực chiêu mộ những người trẻ dù IS đang hứng chịu những thiệt hại ở Trung Đông.

“Katibah Nusantara đã tiếp cận những người trong độ tuổi 18-25, vốn có khuynh hướng tuân thủ các chỉ thị mà không cần hỏi”, ông Ahmad El-Muhammady, một cố vấn của Cảnh sát Hoàng gia Canada, cho hay.

Ông Ahmad lo ngại rằng các nhóm địa phương này ngày càng trở nên táo tợn hơn, sau vụ tấn công đầu tiên của IS nhằm vào một quán cà phê ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia hồi năm ngoái, khiến 8 người bị thương.

Các dấu hiệu các phiến quân IS hồi hương

Theo cảnh sát Malaysia và Indonesia, mặc dù các phiến quân IS người Malaysia và Indonesia phần lớn muốn ở lại Syria vì chúng muốn tử vì đạo, nhưng cũng có các dấu hiệu có các dấu hiệu cho thấy một số đang tìm cách trở về.

Nia Kurniati, vợ của phiến quân Indonesia Bahrun Naim, một phần tử IS khét tiếng từ Đông Nam Á tại Syria, đã bị Thổ Nhĩ Kỳ trục xuất về nước hồi đầu năm nay.

“Điều này đồng nghĩa các thành viên IS không còn khả năng bảo vệ gia đình, vợ con từ Syria. Sự trở về của cô ta là một dấu hiệu cho thấy các thành viên IS đang dần trở về quốc gia sở tại”, Nasir Abas, một cựu thủ lĩnh của Jemaah Islamiyah, nhóm phiến quân đứng sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Bali năm 2002, nói.

Ông Nasir cảnh báo rằng những phần tử IS hồi hương có thể tiến hành các vụ tấn công nếu chúng trở về. “IS đã kêu gọi những người ủng hộ tiến hành các vụ tấn công ở bất kỳ đâu. Điều này bao gồm đất nước sở lại của chúng khi chúng hồi hương”, ông Nasir nói.

Phát ngôn viên cảnh sát quốc gia Indonesia Boy Rafli Amar thừa nhận rằng nguy cơ các vụ tấn công sói đơn độc đang gia tăng. Với ước tính khoảng 600-800 người ở Syria, ông cho biết việc thu thập thông tin tình báo đã được tăng cường nhằm phát hiện các các hành vi khủng bố.

Các nỗ lực tương tự cũng đang diễn ra tại Malaysia. “Theo tôi biết, đơn vị chống khủng bố đang theo dõi chặt chẽ các động thái liên quan tới các hoạt động phiến quân và khủng bố tại nước này”, cố vấn cảnh sát Malaysia Ahmad nói. 

Chuyên đề