Tiêm kích F-22 và F-35 của Mỹ. Ảnh:USAF |
Trước những tiến bộ lớn về công nghệ radar phòng không của Nga và Trung Quốc gần đây, quân đội Mỹ đang lên kế hoạch bổ sung hệ thống tác chiến điện tử mới cho hai dòng tiêm kích tàng hình F-22 và F-35 nhằm giảm thiểu nguy cơ bị phát hiện và bắn hạ, theo National Interest.
Ngoài lớp sơn hấp thụ sóng radar, tiêm kích F-22 và F-35 phải dựa vào hệ thống gây nhiễu để đảm bảo khả năng tàng hình của mình trước radar đối phương. Hệ thống tác chiến điện tử trên các tiêm kích này sẽ nhận ra những tần số radar đã được nhận dạng từ trước và có biện pháp gây nhiễu thích hợp.
Tuy nhiên, F-22 và F-35 không thể đối phó được với những tần số mới không có trong cơ sở dữ liệu được lập trình sẵn. Bởi vậy, hệ thống tác chiến điện tử của các tiêm kích này phải được cập nhật định kỳ mới có thể đối phó được với radar địch.
Để khắc phục nhược điểm này, Cơ quan Các dự án Phòng thủ Tiên tiến (DARPA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ và các công ty như Raytheon và BAE Systems đang phát triển hệ thống tác chiến điện tử sử dụng trí thông minh nhân tạo, có thể tự động gây nhiễu cả những tín hiệu radar chưa từng gặp trước đó.
"Hệ thống gây nhiễu phải đủ thông minh để có thể đối đầu với những mối đe dọa bằng cách nhận dạng ngay các tín hiệu, kể cả khi những tín hiệu này bị biến đổi trong quá trình bay, đồng thời ngay lập tức hình thành các sóng chế áp tương ứng hiệu quả. Hệ thống này phải biết bắt chước, thích nghi và có khả năng đáp trả trong chiến đấu. Đó chính là hệ thống tác chiến điện tử có nhận thức", Dan Theisen, giám đốc bộ phận chế áp điện tử của hãng Raytheon, cho biết.
Theo Raytheon, hệ thống này có thể dễ dàng vượt qua mạng lưới radar của đối phương và xử lý nhanh các tín hiệu tạp âm, tín hiệu lạ.
Các chuyên gia cho rằng hệ thống tác chiến điện tử "có nhận thức" khi đưa vào sử dụng sẽ đem lại lợi thế rất lớn cho quân đội Mỹ trước những hệ thống phòng không mới của đối phương vốn cũng đang sử dụng các dạng sóng được lập trình sẵn.