TAND TP HCM dự kiến ngày 19-20/4 xét xử đường dây mua bán "logo xe vua", giải cứu xe quá tải do Nguyễn Văn Thới (42 tuổi) và Lê Thị Cẩm Vân (36 tuổi) cầm đầu, về các tội Đưa hối lộ, Làm môi giới hối lộ.
Liên quan vụ án, hàng chục CSGT và cán bộ thanh tra giao thông Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM bị Thới và đồng phạm tố cáo nhận tiền bảo kê nhưng chỉ Nguyễn Cảnh Chân (45 tuổi, cựu cán bộ Đội 1 Phòng CSGT tỉnh Đồng Nai) bị cáo buộc Làm môi giới hối lộ.
Nhiều sếp CSGT Đồng Nai nhận tiền bảo kê xe vi phạm
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, Thới từng làm nghề kinh doanh vận tải và nhiều lần bị thanh tra giao thông, CSGT Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM xử phạt xe chở quá tải. Những lần đi nộp phạt, Thới quen một số cán bộ nên đặt vấn đề sẽ chi tiền, dán logo số 68 và Garage Thành Đô lên đầu các ôtô chở hàng để nhận dạng, cảnh sát sẽ không xử phạt.
Thới nhờ ông Chân giúp. Ông này đồng ý, "bắt tay" với một đội trưởng Đội 1 Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai cùng thực hiện.
Logo xe vua do Thới và Vân bán cho các tài xế.
Làm việc với cơ quan điều tra, ông Chân nói đã đưa toàn bộ cho cấp trên. Mỗi lần đưa, ông được Đội trưởng cho 5-10 triệu đồng. Những lần xe dán logo của Thới bị bắt, ông gọi điện cho cấp trên cung cấp biển số và địa điểm để "giải cứu".
Đến tháng 4/2015, Đội trưởng Đội 1 qua đời do bị bệnh, ông Chân nhờ Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai giúp. Nhận 600 triệu đồng từ Thới, ông Chân đưa cho sếp 300 triệu đồng, còn lại chiếm hưởng.
“Trùm” logo xe vua bỏ túi 23 tỷ đồng
Sau khi móc nối với thanh tra giao thông và CSGT, Thới rủ Trần Quốc Thái (47 tuổi, anh cột chèo) bán logo cho các tài xế với giá 2,5-3 triệu đồng mỗi tháng. Chúng cam kết xe quá tải không bị CSGT xử phạt, nếu bị lập biên bản thì mang về Thới sẽ nộp thay.
Mỗi logo, Thái hưởng chênh lệch 300.000-400.000 đồng. Hàng tháng, Thái quản lý 200 ôtô, thu được 60-80 triệu. Đến khi bị bắt, anh ta thu được 360 triệu đồng.
Ngoài ra, Thái còn nhiệm vụ canh các tuyến đường có Tổ tham mưu đặc biệt của Phòng CSGT – Công an TP HCM tuần tra rồi nhắn tin cho Thới và những người đã mua logo biết, để tránh.
Từ năm 2014 đến 2015, đường dây của Thới đã bán cho 15.000 lượt xe, thu lợi bất chính gần 23 tỷ đồng. Họ dùng một phần đưa hối lộ cho CSGT, nộp phạt cho các chủ xe đã mua logo mà vẫn bị phạt, còn lại bỏ túi và chi tiêu cá nhân.
Cơ quan điều tra cáo buộc Thái đưa hối lộ hơn 2,2 tỷ đồng, bỏ túi riêng 360 triệu; Thới lót tay cho cảnh sát 5 tỷ, hưởng lợi gần 17,5 tỷ đồng.
Người đàn bà “quyền lực” ở TP HCM
Lê Thị Cẩm Vân là chủ doanh nghiệp vận tải gạch, xe thường bị xử phạt lỗi chở quá tải nên quen biết một số cán bộ Thanh tra giao thông, CSGT và nhờ họ giúp.
Với cách thức tương tự, Vân đứng ra lập đường dây bán logo "xe chở hàng" cho các chủ xe khác. Một phần tiền thu được Vân chi cho CSGT các đội, trạm tuần tra giao thông.
Cẩm Vân lúc bị bắt.
Vân thỏa thuận với một số cán bộ thuộc Đội 7, Thanh tra giao thông TP HCM, mỗi xe đi qua tuyến đường do đội quản lý sẽ nộp 300.000 đồng một tháng. Các xe được Vân lập thành danh sách, kêu Nhân mang đến và đưa tiền cho Đội 7.
Đối với Đội 8, Vân thỏa thuận nộp lỗi quá tải 3 triệu động mỗi xe cá nhân và 6 triệu đồng xe công ty.
Tổng cộng, đường dây của Vân thu gần 8 tỷ đồng từ việc bán logo. Vân khai đưa hối lộ gần 630 triệu đồng cho cán bộ Thanh tra giao thông TP HCM, thông qua nhân viên và các xe ôm; nộp phạt cho các xe vi phạm; thu lợi gần 1,6 tỷ đồng.
80 cảnh sát và thanh tra giao thông bị tố nhận tiền bảo kê
Thới, Vân và đồng phạm khai đưa hối lộ cho 62 CSGT và 18 thanh tra giao thông tại nhiều tỉnh thành. Khi bị triệu tập những người này không thừa nhận. Ngoài lời khai của các bị can, cơ quan điều tra không có tài liệu, chứng cứ khác chứng minh các cán bộ này đã nhận tiền nên không có cơ sở khởi tố.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định, việc bán logo thu tiền đưa hối lộ cho cán bộ chức năng để không xử phạt xe quá tải là có thật.