Hàng chục lô đất đã được Viglacera xác định giá trị như thế nào khi cổ phần hoá?

Kiểm toán Nhà nước, đến thời điểm làm hồ sơ quyết toán bàn giao doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, giá đất tại các lô đất của Viglacera là giá tạm tính theo bảng giá đất do UBND tỉnh công bố năm2012, không phù hợp với Nghị định 59/2011/NĐ-CP và Luật Đất đai năm 2013.
Hồi năm 2017, Thanh tra Nhà nước từng chỉ ra hàng loạt vấn đề trong quản lý đất đai của Viglacera.
Hồi năm 2017, Thanh tra Nhà nước từng chỉ ra hàng loạt vấn đề trong quản lý đất đai của Viglacera.

Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công công ty cổ phần của công ty mẹ tại Tổng công ty Viglacera - CTCP.

Báo cáo cho thấy, tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp ngày 1/1/2012, Tổng công ty Viglacera đang quản lý tổng diện tích đất hơn 12,013 triệu m2, trong đó thành phố Hà Nội gồm 10 lô đất, khu vực tỉnh Bắc Ninh 5 lô đất, Quảng Ninh 2 lô, Bình Dương 3 lô và TPHCM 1 lô.

Tổng công ty đã lập phương án sắp xếp lại nhà đất và đã được UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Bắc Ninh, UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh Bình Dương, Bộ Tài chính chấp thuận và Bộ Xây dựng phê duyệt phương án sắp xếp nhà đất.

Về xác định giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hoá tại thời điểm 31/12/2011, đơn vị thực hiện xác định lại giá trị trên cơ sở diện tích đang sử dụng, phương án sử dụng và giá đất tương ứng.

Tuy nhiên, theo Kiểm toán Nhà nước, đến thời điểm làm hồ sơ quyết toán bàn giao doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, giá đất tại các lô đất trên vẫn là giá tạm tính theo bảng giá đất do UBND tỉnh công bố năm2012. Giá đất tạm tính này là không phù hợp với Nghị định 59/2011/NĐ-CP và Luật Đất đai năm 2013.

Các lô đất đã có quyết định giao đất cho công ty cổ phần và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ doanh nghiệp cổ phần hoá sang công ty cổ phần khi chưa có ý kiến giá đất theo giá sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất có mục đích sử dụng tương tự thực tế trên thị trường cũng được Kiểm toán Nhà nước đánh giá là chưa phù hợp với Nghị định 59 và Thông tư 202/2011/TT-BTC.

Sau khi chuyển thành công công ty cổ phần, các lô đất đang tiến hành thủ tục chuyển tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ký lại hợp đồng thuê đất, tuy nhiên việc thực hiện còn chậm.

Đến tháng 12/2018, các lô đất đã thực hiện chuyển tên trên Quyết định giao đất, đã ký hợp đồng thuê đất và được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau khi cổ phần hoá, bàn giao cho công ty cổ phần, các lô đất vẫn được quản lý, sử dụng theo phương án sử dụng đất được duyệt.

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét xử lý các tồn tại hạn chế, các vấn đề lưu ý tại phần kết quả kiểm toán trước khi phê duyệt báo cáo quyết toán bàn giao vốn, trong đó đề cập tới nội dung “đến thời điểm làm hồ sơ quyết toán bàn giao doanh nghiệp, giá đất của một số khu là giá tạm tính”.

Bên cạnh đó, trên cơ sở ý kiến của các địa phương về giá đất, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét quyết định giá trị quyết toán vốn nhà nước theo quy định.

Tổng công ty Viglacera là một trong những tên tuổi lớn trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng với các mặt hàng như gạch ngói, thiết bị vệ sinh, gạch ốp lát kính... Đơn vị này cũng đầu tư, kinh doanh bất động sản và hiện sở hữu quỹ đất lớn tại các khu công nghiệp lên tới hàng nghìn ha cũng như những khu đô thị lớn tại các tỉnh, thành. Năm 2018, Viglacera ghi nhận doanh thu thuần gần 9.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 667 tỷ đồng.

Hồi cuối năm ngoái, Kiểm toán Nhà nước cũng có báo cáo gửi Bộ Xây dựng về kết quả kiểm toán tại Tổng công ty Viglacera - CTCP sau 60 ngày thực hiện việc kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2017 của Viglacera.

Theo Kiểm toán nhà nước, Viglacera đã thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá tại thời điểm 31/12/2012 và chuyển sang hoạt động theo mô hình CTCP từ ngày 22/7/2014.

Tính đến ngày 21/7/2018 giá cổ phiếu của Tổng công ty vấn tiếp tục giảm, giá khớp lệnh nhỏ hơn giá tối thiểu 26.100 đồng/cổ phần nên không đủ điều kiện để đặt lệnh bán theo phê duyệt của Bộ Xây dựng. Đến thời điểm kiểm toán, Bộ Xây dựng mới thực hiện giảm tỷ lệ vốn nhà nước từ 78% xuống 53% bằng cách phát hành thêm cổ phần ra thị trường, chưa thực hiện mục tiêu thoái vốn theo Quyết định 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Do đó, Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện thoái vốn nhà nước theo Quyết định.

Chuyên đề