Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng hưởng lợi từ sự phục hồi của hoạt động đầu tư, xây dựng và thị trường bất động sản |
Được hưởng lợi trực tiếp từ tăng trưởng GDP chính là các doanh nghiệp (DN) ngành xây dựng, bất động sản, hạ tầng. Không chỉ cổ phiếu của các DN đã lên niêm yết, các DN chưa niêm yết trên thị trường tự do cũng tăng ấn tượng.
Hưởng lợi từ chính sách vĩ mô
Theo đánh giá của các nhà phân tích, có 3 yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành xây dựng trong năm 2015: Chính phủ khơi thông nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thông qua các chính sách vĩ mô; ngành bất động sản phục hồi; dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng tích cực.
Trên thực tế, chính sách nới lỏng tiền tệ của Chính phủ trong năm 2015 đã tạo thuận lợi cho các hoạt động xây dựng, với lãi suất cho vay vẫn giữ ở mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ (trên dưới 7%). Trong khi đó, lạm phát ở mức tương đối ổn định, cộng với việc cắt giảm lãi suất trong năm 2014 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tác động tích cực đến nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Tác động trễ của chính sách nới lỏng tiền tệ này cũng sẽ kéo dài đến năm 2016. Theo đó, mức giải ngân mạnh của Chính phủ và các tổ chức FDI cùng với giá nguyên vật liệu đầu vào thấp hơn cũng sẽ giúp ngành xây dựng Việt Nam đi vào một chu kỳ tăng trưởng mới giai đoạn 2015 - 2018.
Bên cạnh đó, một số cải tiến trong chính sách của Nhà nước như Luật Đấu thầu năm 2013 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định nhà thầu nước ngoài phải liên danh hoặc ký hợp đồng với nhà thầu phụ Việt Nam không thấp hơn 30% giá trị gói thầu tư vấn, xây dựng và hỗn hợp đã cải thiện khả năng cạnh tranh của các nhà thầu trong nước và cũng tăng cơ hội cho các công ty xây dựng trong nước tham gia các dự án do Nhà nước đầu tư.
Giá tăng ấn tượng
Hưởng lợi trực tiếp từ sự phục hồi của hoạt động đầu tư, xây dựng và thị trường bất động sản, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực này đã có những thành công nhất định đặc biệt là các DN đầu ngành.
Công ty CP Xây dựng Cotec (Cotecons – mã CTD, sàn HSX) là một trong những cái tên được nhắc đến nhiều nhất trên sàn chứng khoán và trong giới nhà thầu xây dựng Việt Nam năm 2015 vừa qua. Nếu trên sàn chứng khoán, CTD được chú ý bởi mức tăng giá mạnh thì trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh, DN này ký được nhiều hợp đồng “khủng”, trên cơ sở đó có thể đưa doanh thu Công ty lần đầu tiên lên 1 tỷ USD trong năm tới. Cổ phiếu CTD khởi đầu năm 2015 (ngày 5/1/2015) với giá 57.000 đồng/CP thì sau 1 năm, ngày 5/1/2016 đã có giá 151.000 đồng/CP, tăng hơn 164%. Mức tăng ấn tượng của CP dường như phản ánh hoạt động kinh doanh tích cực của CTD.
Lợi thế lớn nhất của CTD chính là nguồn tài chính dồi dào, không vay nợ, vốn chủ sở hữu lớn đáp ứng điều kiện tham gia đấu thầu của các chủ đầu tư trong và ngoài nước. Một đặc tính rất dễ thấy của ngành xây dựng là khi DN có dòng tiền tốt sẽ tạo lợi thế lớn khi tham gia đấu thầu. Do nhiều chủ đầu tư khi đó cạn kiệt về tài chính, nên với nguồn tiền mặt lớn, CTD thậm chí còn không sử dụng đến khoản tạm ứng 30% từ phía chủ đầu tư khi tham gia đấu thầu như thông lệ.
Sự khởi sắc trong hoạt động kinh doanh của CTD còn đến từ việc thị trường nhà ở đã phục hồi mạnh, đặc biệt là tại TP.HCM với số lượng căn được bán năm 2015 đã gần như tăng gấp đôi nhờ lãi suất thấp cộng với nhiều chương trình cho vay mua nhà; giá sản phẩm hấp dẫn với sự hỗ trợ cho vay vốn từ các ngân hàng; kết cấu hạ tầng hỗ trợ tốt hơn, đã giúp CTD - một nhà thầu chuyên về mảng dân dụng ký được thêm nhiều hợp đồng trong năm.
Cũng hưởng lợi từ sự khởi sắc của thị trường bất động sản và nền kinh tế, Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (mã HBC, sàn HSX) đã có một năm kinh doanh thành công. Năm 2015, HBC ghi nhận doanh thu từ một số dự án lớn như Vietinbank Tower, Saigon Center, Discovery Complex, SSG Tower... Phần lớn doanh thu của HBC đến từ mảng xây dựng chung cư, văn phòng và trung tâm thương mại. Ngoài ra còn có các mảng xây dựng nhỏ hơn như xây dựng công nghiệp, khách sạn và khu nghỉ dưỡng, xây dựng kết cấu hạ tầng.
Chưa hết năm 2015, HBC đã ký được khoảng 6.400 tỷ đồng hợp đồng mới, bao gồm một số dự án lớn như Căn hộ Cửu Long, SHP Plaza, Nhà ga T2 mở rộng tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Gần đây, HBC được chủ đầu tư Keppel Land giao gói thầu chính thi công phần thô và hoàn thiện cho Dự án Saigon Center giai đoạn 2 và 3 với giá trị 1.900 tỷ đồng. Sau đó là Dự án Estella Heights trị giá 917 tỷ đồng và Deutsches Haus trị giá 480 tỷ đồng sau khi những dự án này hoàn thành phần hầm. Kết quả kinh doanh khả quan đã khiến CP HBC có mức tăng ấn tượng từ 10.500 đồng/CP lên 19.000 đồng/CP sau 1 năm giao dịch.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán ảm đạm, CP trên thị trường tự do (OTC) hầu như không có giao dịch. Tuy nhiên, CP của các DN nhà thầu đặc biệt là các DN được cổ phần hóa từ Bộ Giao thông vận tải vẫn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Mới đây Bộ này đã đấu giá trọn lô 10,176 triệu CP tại Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco5) trong tổng số 27,73 triệu CP đang nắm giữ (tương ứng 63,18% vốn điều lệ), giá khởi điểm một CP là 10.000 đồng; giá khởi điểm lô CP là 101,861 tỷ đồng. Kết quả thật bất ngờ khi nhà đầu tư bỏ giá cao gần gấp đôi giá khởi điểm để sở hữu trọn lô CP nêu trên. Với tổng giá trị hơn 202 tỷ đồng, Nhà nước đã thu về thặng dư vốn lớn thông qua việc bán lô CP này.
Với trường hợp của Công ty CP Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco 6), mặc dù không được trả giá cao nhưng Nhà nước cũng đã bán thành công 45,695 triệu CP (bằng 92,88% vốn điều lệ) tại Cienco 6 với giá tổng giá trị là 457,635 tỷ đồng.
Mức cổ tức ổn định ở mức cao và hợp đồng giá trị lớn thực hiện trong vài năm tới chính là những yếu tố hấp dẫn các CP nhà thầu trong lĩnh vực xây lắp và hạ tầng giao thông.
Theo nhận định của các công ty chứng khoán, CP xây dựng, bất động sản, hạ tầng vẫn rất tiềm năng để đầu tư trong năm 2016. Tuy nhiên các CP đầu ngành vẫn là ưu tiên lựa chọn do có sẵn khối lượng công việc dồi dào (nhiều hợp đồng giá trị lớn đã ký kết), hưởng nhiều lợi thế trong đấu thầu, và đặc biệt có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ sở hữu khá cao.