Một góc thành phố Hải Dương |
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hải Dương.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, phương hướng phát triển tỉnh Hải Dương đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân tỉnh Hải Dương quán triệt, nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò, thế mạnh, tiềm năng, nghiên cứu xây dựng quy hoạch định hướng chiến lược, với quyết tâm chính trị cao hơn, khát vọng mạnh mẽ hơn, phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế và nội lực “người xứ Đông”, hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Hải Dương xây dựng, tổ chức quy hoạch với tầm nhìn xa, không mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế với môi trường, nhất là ở đô thị, làng nghề, khu công nghiệp. Tái cơ cấu đầu tư công, lựa chọn xây dựng những công trình ưu tiên, cấp bách; đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, không chỉ dựa vào ngân sách nhà nước. Tập trung khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020 tăng gấp đôi số doanh nghiệp lên khoảng 20 - 22 nghìn doanh nghiệp.
Đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, kết nối hệ thống giao thông nhất là giao thông đa phương thức, dịch vụ logistics, đặc biệt phát triển giao thông thủy (đẩy mạnh triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm có tính liên vùng).
Bên cạnh đó thúc đẩy đô thị hóa cả về số lượng và chất lượng, bố trí dân cư hợp lý, coi đô thị hóa là động lực quan trọng để đẩy mạnh tăng trưởng về kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng Hải Dương thành một đô thị thông minh hiện đại, thành phố đáng sống, hấp dẫn với những nét riêng, thu hút người tài về sống và lập nghiệp.
Phấn đấu thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Hải Dương phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Tái cơ cấu các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; sử dụng đất có hiệu quả, mở rộng các khu công nghiệp; cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn để thu hút các dự án FDI chất lượng cao, công nghệ cao; đồng thời tạo mọi thuận lợi để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ FDI, doanh nghiệp dịch vụ (logistics, du lịch, vận tải...); thu hút các doanh nghiệp công nghiệp lớn, giá trị gia tăng cao của khu vực và thế giới tới đầu tư, để Hải Dương trở thành địa phương năng động và phát triển toàn diện thuộc nhóm đầu của Việt Nam.
Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng xác định rõ và quy hoạch từng vùng để phát huy những thế mạnh của địa phương; đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, phát triển thương hiệu nông sản; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.
Hải Dương cần đổi mới thu hút đầu tư phát triển du lịch, tận dụng các lợi thế về các danh thắng và đặc sản địa phương để tham gia vào các chuỗi giá trị du lịch trong khu vực; cần khai thác hiệu quả danh thắng Côn Sơn - Kiếp Bạc để thúc đẩy phát triển du lịch địa phương với định hướng trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, trung tâm du lịch của vùng Đồng bằng Bắc Bộ và cả nước, kết nối với các trung tâm du lịch lớn (đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá về du lịch lễ hội “thứ nhất Ngũ Đài, thứ 2 Yên Tử”; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch - du lịch lễ hội, du lịch làng nghề, du lịch tâm linh; đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch).
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tỉnh Hải Dương tái cơ cấu 5 trường đại học, tạo thương hiệu đại học danh tiếng, có quy mô và hệ thống giáo dục nghề nghiệp gắn với thực tiễn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có phong cách công nghiệp hiện đại, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Phát triển hệ thống y tế chất lượng cao. Quan tâm thực hiện tốt an sinh xã hội, các chế độ, chính sách xã hội, sinh kế của người nghèo, đời sống của người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo; đẩy mạnh xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân trong các khu công nghiệp.
Đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, quản lý môi trường đô thị, khu công nghiệp, làng nghề và khu vực nông thôn; kiểm soát tốt các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; thu hút đầu tư, xã hội hóa cho công tác bảo vệ môi trường. Khắc phục, chấn chỉnh tình trạng ô nhiễm môi trường nhất là ô nhiễm môi trường nông thôn; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định trong lĩnh vực môi trường.