Hai đột phá trong phát triển của thành phố mang tên Bác

(BĐT) - 45 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TP.HCM đã có một vị thế mới, tầm vóc mới. TP.HCM đang nỗ lực để luôn là đầu tàu của nền kinh tế,  điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư, là biểu tượng của sức trẻ, sự năng động, cũng như mảnh đất nghĩa tình, văn minh đậm chất Nam Bộ. Hai trong nhiều mũi nhọn quan trọng của Thành phố là quy hoạch và đầu tư hạ tầng giao thông.
Hai đột phá trong phát triển của thành phố mang tên Bác

Quy hoạch đi trước

TP.HCM luôn được đánh giá cao ở công tác quy hoạch từ sớm. Cụ thể, từ nhiều năm trước, Thành phố đã tập trung các nguồn lực triển khai thực hiện công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất, quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, hình thành các trục xuyên tâm, trục Bắc - Nam, đường vành đai, các tuyến metro và đường trên cao.

Trên những vùng đầm lầy, kênh rạch xưa, các khu đô thị mới như Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị Tây Bắc… được đầu tư xây dựng trở thành những đô thị kiểu mẫu. Đây là những điểm nhấn tạo nên bộ mặt đô thị mới hoàn toàn cho TP.HCM.

Đến thời điểm hiện tại, TP.HCM đã có hàng trăm cây cầu và hàng nghìn km đường giao thông được đưa vào khai thác hiệu quả. Điển hình như các dự án: Đại lộ Nguyễn Văn Linh; Đại lộ Đông Tây; Đại lộ Phạm Văn Đồng...

Nhờ quy hoạch đồng bộ, mạng lưới cơ sở y tế tuyến cuối và vệ tinh của TP.HCM đang làm rất tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân. TP.HCM đầu tư rất lớn cho việc xây dựng các bệnh viện cùng hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại. Mạng lưới trường, lớp ở các ngành học, bậc học đã được phủ khắp 322 phường, xã, thị trấn, 24 quận, huyện với quy mô tăng dần theo các năm. TP.HCM là địa phương đi đầu trong cả nước về phổ cập giáo dục, đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục bậc trung học. Tỷ lệ tốt nghiệp của học sinh Thành phố luôn ở tốp đầu của cả nước.

Liên quan đến quy hoạch, bước sang năm 2020, Thành phố đã có những bước đi đầu tiên mang tính chiến lược. Đầu năm 2020, Sở Nội vụ TP.HCM gửi văn bản đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn quy trình, thành phần hồ sơ thành lập Thành phố phía Đông trực thuộc TP.HCM trên cơ sở hợp nhất 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức. Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, việc thành lập Thành phố phía Đông sẽ được UBND Thành phố thực hiện song song với việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Dự kiến, Thành phố phía Đông sau khi thành lập có diện tích tự nhiên hơn 211,5 km2, dân số hơn 1,1 triệu người.

Thành phố phía Đông - Đô thị sáng tạo là ý tưởng nung nấu của TP.HCM trong nhiều năm qua. Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Đô thị sáng tạo là cấu trúc giúp mọi người sinh sống tại đó có thể làm việc tốt hơn, sáng tạo hơn và là động lực phát triển kinh tế của khu vực. 

Hạ tầng hoàn thiện từng ngày

Trong nhiều năm qua, TP.HCM đã tập trung nguồn lực rất lớn để phát triển hạ tầng đô thị, đặc biệt là mạng lưới giao thông. Ngay từ những năm đầu giải phóng, TP.HCM đã tập trung nâng cấp, mở rộng và xây mới nhiều tuyến đường. Những năm sau đó, hàng loạt công trình giao thông trọng điểm được xây dựng, đặc biệt là hệ thống đường trục Bắc - Nam với nhiều cây cầu lớn như cầu Ông Lãnh, Tân Thuận 2, Khánh Hội...

Cùng với đó, hệ thống đường trục Ðông - Tây của Thành phố cùng các tuyến đường chính ở cửa ngõ như Trường Chinh, xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 13, đường Nguyễn Văn Linh... đã hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, kết nối thuận lợi theo các hướng Ðông - Tây và Bắc - Nam, kéo theo sự phát triển kinh tế - xã hội dọc tuyến.

Nhiều dự án mang tính chiến lược, kết nối vùng cũng lần lượt hình thành như cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Trung Lương, đường Xuyên Á (Quốc lộ 22)... Ðây là những tuyến đường kết nối trực tiếp với các tỉnh lân cận như Ðồng Nai, Tiền Giang, Tây Ninh.

Tại thành phố mang tên Bác, nhiều dự án đã trở thành niềm tự hào như Dự án đại lộ Ðông - Tây (trục đường Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt) - tuyến đường chiến lược và hiện đại bậc nhất Thành phố được thực hiện bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Tuyến đường dài gần 22 km, bắt đầu từ xa lộ Hà Nội (Quận 2) đến Quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh), qua địa bàn các quận 2, 1, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Đến nay, trục đường này vẫn đảm nhận vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối giao thông không chỉ riêng khu vực trên mà còn với các tỉnh miền Ðông Nam Bộ như Ðồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và miền Tây là các tỉnh Long An, Tiền Giang…

Bên cạnh đó, đường hầm sông Sài Gòn, đại lộ Phạm Văn Đồng, cầu Phú Mỹ... đã trở thành những biểu tượng cho sự phồn vinh, hiện đại của TP.HCM.

TP.HCM có 8 tuyến metro với tổng chiều dài 230 km là những dự án trọng điểm quốc gia. Hiện nay tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang chạy nước rút để có thể hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2021. Các tuyến metro được kỳ vọng sẽ làm thay đổi hoàn toàn cục diện hạ tầng đô thị cho TP.HCM trong vòng 5 năm tới.

Ưu tiên cho quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông là nền tảng hết sức quan trọng giúp thu hút đầu tư, phát triển nhiều ngành công nghiệp quan trọng cũng như dịch vụ, giúp TP.HCM ngày nay trở thành đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước.

Chuyên đề